Kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên tại Hà Nội
Chiều 9/12, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên tại Hà Nội năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lộc Kim Liễn- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho hay: Tuyên Quang có nền văn hóa phong phú cùng nhiều sản vật, trong đó, cam Hàm Yên là đặc sản nổi tiếng. Với sự quan tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền, những năm gần đây, cam sành Hàm Yên phát triển mạnh mẽ, trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho bà con.
Nhận thức vai trò quan trọng của cây cam trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, UBND huyện Hàm Yên đã tăng cường vận động mở rộng diện tích, trồng theo quy mô hàng hóa và theo tiêu chuẩn cao như VietGap, hữu cơ. Địa phương cũng trồng các giống cam mới và phát triển các sản phẩm từ cam như cam sấy, tinh dầu cam.
Cam Hàm Yên hiện đã được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và trong hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Coop mart… Tuy nhiên những năm qua, do yếu tố thời tiết và sự phụ thuộc vào thương lái, giá bán cam không ổn định. Bên cạnh đó, cây cam được trồng trên núi cao nên khó khăn trong chăm sóc, thu hái và thu hút đầu tư; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, do vậy việc tìm kiếm đầu ra cho trái cam còn nhiều khó khăn.
“Từ những hạn chế đó, Hội nghị ngày hôm nay được Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm lắng nghe chia sẻ từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và cùng tìm ra các giải pháp tháo gỡ nhằm mở rộng hơn nữa đầu ra cho trái cam Hàm Yên”, ông Lộc Kim Liễn cho hay.
Thông tin thêm về diện tích, sản lượng cam Hàm Yên, ông Đỗ Văn Hòa- Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết: Hàm Yên quy hoạch phát triển vùng cam bền vững. Năm 2023 diện tích cam toàn huyện có 5.100ha, trong đó 4.710ha cho sản phẩm, trong đó cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 1.251,3 ha, diện tích cam chuyển đổi hữu cơ 15,8 ha; sản lượng đạt 75.000 tấn quả; nhiều trang trại cam với quy mô lớn đã được hình thành và phát triển trên địa bàn huyện; tổng thu nhập từ cam đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Cam Hàm Yên được nhiều khách hàng tin dùng.
Để duy trì diện tích và nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cam, UBND tỉnh Hàm Yên có nhiều giải pháp cơ cấu lại diện tích vườn cam, khuyến khích người nông dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, do đó đã cải thiện được mẫu mã và năng suất sản phẩm cao.
Dù vậy, hiện trạng phát triển cây cam trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nhất là trong tiêu thụ trái cam tươi. Cam chính vụ bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 1 năm sau, sản lượng lớn khó bán, giá bán thấp, tiêu thụ cam hiện vẫn phụ thuộc vào thương lái ảnh hưởng đến thu nhập của người dân vùng trồng, doanh thu của doanh nghiệp.
“Huyện Hàm Yên cam kết đảm bảo đủ sản lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến kết nối giao thương, tiêu thụ cam”, ông Đỗ Văn Hòa nhấn mạnh.
Để vùng cam Hàm Yên phát huy tốt tiềm năng, tại sự kiện, ông Đặng Quang Thiện- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1), Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, đề nghị: Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi quan trọng trong chuỗi cung ứng, để tồn tại và phát triển, UBND huyện Hàm Yên cần tiến hành chuyển đổi số thương hiệu cam Hàm Yên để quảng bá trên nên tảng số, tăng độ lan tỏa của đặc sản này.
“Liên minh xúc tiến ACTONE Global phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, cơ quan trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để tư vấn hỗ trợ, mở các điểm bán hàng tại thị trường trong và ngoài nước”, lãnh đạo Trung tâm 1 cũng đề nghị.
Bên cạnh đó, UBND huyện Hàm Yên và các ban ngành tiếp tục xác định chiến lược quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND huyên Hàm Yên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới, nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng thương hiệu, đổi mới đóng gói tem nhãn, nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; coi trọng, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, không chỉ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà trên địa bàn cả nước, tiến tới xuất khẩu.
Chia sẻ nhanh với báo giới bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thị Tĩnh- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Yên Lâm cho hay: Trên địa bàn huyện Hàm Yên, cam Vinh hiện có giá khoảng 12.000 đồng/kg, cam sành khoảng 15.000 đồng/kg. Sản phẩm của Yên Lâm cũng như nhiều hợp tác xã khác chủ yếu tiêu thụ cho thương lái, tính chủ động không cao. “Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho bà con, tránh cảnh được mùa mất giá”, đại diện Hợp tác xã Yên Lâm nói.
Một số hình ảnh bên lề sự kiện: