Khai thác hiệu quả các FTA tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng
Cùng với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các FTA để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế.
8 động lực cho tăng trưởng kinh tế
Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế diễn ra sáng 21/2, ông Trần Quang Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nền kinh tế trong nước sẽ chịu những tác động không nhỏ từ biến động của nền kinh tế thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quang Phương nêu các động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8%. Ảnh: Nhật Bắc
Dù vậy, trong năm 2025 nền kinh tế trong nước cũng như các ngành, lĩnh vực và địa phương vẫn có được 8 động lực tăng trưởng, cụ thể:
Thứ nhất, những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Thứ hai, áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kêt, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024.
Thứ ba, tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù.
Thứ tư, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Thứ sáu, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi ngân sách nhà nướcd, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài..., tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ bảy, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế.
Thứ tám, chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Về tình hình giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/1/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%). Đến ngày 31/1/2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.
Tận dụng tốt các FTA để thúc đẩy động lực tăng trưởng
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
Song song đó, khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.
Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19/2. Hội nghị được tổ chức nhằm rà soát và thúc đẩy các địa phương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.