Khai thác lợi thế, phát triển logistics bền vững, xứng tầm - Kỳ 1
Kỳ 1: Đủ điều kiện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong giai đoạn mới.
Số hóa, xanh hóa
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định Bình Dương là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics với ga đường sắt, hệ thống đường bộ kết nối liên vùng, luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Để bắt nhịp với xu hướng phát triển, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics một cách toàn diện, tạo mối liên kết giữa logistics với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, thương mại trên địa bàn. Bình Dương đang nỗ lực định hình và phát triển logistics theo hệ sinh thái bền vững, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khai thác tối ưu hiệu quả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics giúp tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, khẳng định với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, khoa học - công nghệ của vùng Đông Nam bộ, trong đó ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, điều quan trọng trước mắt là các DN Bình Dương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực logistics tương ứng.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc TBS logistics, cho biết hiện tại thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bất ổn về kinh tế, chính trị tại một số quốc gia. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn kéo theo những ảnh hưởng của các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các DN dịch vụ logistics đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để vừa khắc phục những vấn đề khó khăn, vừa có thể tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với những yêu cầu phát triển xanh, bền vững. Khi áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, DN có thể quản lý giá cả một cách hiệu quả, minh bạch tuyệt đối, tỷ lệ lỗi và chi phí dư thừa cũng giảm đáng kể.
Bắt nhịp xu thế
Hiện các DN logictics nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu quá trình sản xuất, cung ứng cũng như vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, số hóa dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và Big Data để phân tích, từ đó giúp cắt giảm chi phí vận chuyển, nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu rủi ro và tăng doanh thu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Để bắt nhịp với xu hướng phát triển, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics một cách toàn diện, tạo mối liên kết giữa logistics với các DN sản xuất, thương mại trên địa bàn. Bình Dương đang nỗ lực định hình và phát triển logistics theo hệ sinh thái bền vững, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khai thác tối ưu hiệu quả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics giúp tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách cảng Bình Dương, cho biết dựa trên lợi thế phát triển sẵn có, cảng Bình Dương đã sử dụng công nghệ để tính toán chính xác giá cước vận chuyển theo thời gian thực, vận đơn không cần giấy tờ và tự động hóa tối đa các quy trình bốc dỡ, xếp hàng, bảo đảm giao hàng đúng hạn, tạo được uy tín đối với khách hàng.
Trung tá Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra giải pháp hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics cùng ứng dụng hệ sinh thái số. Trong đó, đơn vị tập trung nhóm giải pháp hướng đến logistics xanh tuyến đường thủy cảng Thạnh Phước - Tân Cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép, phát huy được vai trò tiên phong đẩy mạnh phương thức vận tải xanh. Đặc biệt cơ sở mới depot Tân Cảng Tân Vạn nằm trong khu vực trung tâm điều phối rỗng cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, cung cấp dịch vụ quản lý khai thác container rỗng, tạo thuận tiện cho các DN trong khu vực.
Cụ thể hơn, Thiếu tá Phạm Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết ICD Tân Cảng Sóng Thần đang là lựa chọn hàng đầu cho giải pháp trung tâm phân phối của các DN sản xuất như Kimberly Clark, Food Empire VN, Mondelez Kinh Đô, đồng thời là điểm kết nối với các khu công nghiệp năng động của Bình Dương như VSIP 1, VSIP 2… giúp tối đa hóa hai chiều vận tải container. Ngoài ra với giải pháp kho bãi ngoại quan, ICD Tân Cảng Sóng Thần đã đưa ra nhóm giải pháp hạ bãi chờ xuất, giải quyết bài toán rủi ro “rớt tàu” do tình trạng giao thông với tổng chi phí đầu vào gần như không đổi và một số giải pháp về xuất nhập khẩu tại chỗ đang được nhiều DN quan tâm. (Còn tiếp)