Khai thác thế mạnh ẩm thực Khánh Hòa để phát triển du lịch

Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khai thác lợi thế ẩm thực truyền thống của tỉnh Khánh Hòa để lan tỏa, nâng tầm thương hiệu của địa phương trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho biết, việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của cộng đồng, du khách là hết sức cần thiết.

Trong đó, du lịch ẩm thực đang là hướng đi mới mẻ được các doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa lựa chọn.

Hiện có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.

Ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.

Du khách thưởng thức bữa tối tạiNhà hàng hải sản“Hằng 66”Khánh Hòa.

Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel + Leisure của Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023. Điều này càng khẳng định ẩm thực Việt chính là tài nguyên giúp tạo lợi thế so sánh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.

Ông Nguyễn Tuấn Việt – CEO Nhà hàng hải sản “Hằng 66” Khánh Hòa cho biết, doanh nghiệp muốn góp phần nhỏ cùng thành phố Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung xây dựng những tour du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực để làm phong phú hơn sản phẩm du lịch của tỉnh nhà.

Đây cũng là cách để níu giữ khách ở lại lâu hơn bởi rất nhiều du khách không chỉ muốn “lướt qua” mà còn muốn “nếm thử”, “sống thử” cùng văn hóa địa phương.

“Chúng tôi mong muốn góp phần kết nối tinh hoa ẩm thực, nâng tầm thương hiệu du lịch - ẩm thực của địa phương; đồng thời, cùng ngành lu lịch tỉnh nhà khẳng định những giá trị văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc sắc theo phong vị và lợi thế các sản vật vùng biển”, ông Việt chia sẻ.

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng IMRIC, tới đây, viện sẽ phối hớp với nhiều chuyên gia về du lịch, doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh để tổ chức các buổi hội thảo khoa học.

Qua đó, giới thiệu về tiềm năng ẩm thực của tỉnh Khánh Hòa. Ẩm thực truyền thống của Khánh Hòa hoàn toàn có thể lan tỏa, nâng tầm thương hiệu trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

“Các đơn vị kinh doanh, nhà hàng sẽ là chất xúc tác liên kết các chuỗi cung ứng, sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp. Thương hiệu về văn hóa ẩm thực gắn với thương hiệu điểm đến sẽ góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến Khánh Hòa”, ông Sơn nói.

Viện trưởng IMRIC cho rằng, Khánh Hòa cần sớm đầu tư xây dựng những tour du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực để làm phong phú hơn sản phẩm du lịch, giữ du khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều hơn.

Ngoài ra, việc tận dụng thế mạnh của kỷ nguyên số, công nghệ số để quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu văn hóa ẩm thực Khánh Hòa cũng là điều cần thiết phải làm ngay.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khai-thac-the-manh-am-thuc-khanh-hoa-de-phat-trien-du-lich-/20240109032014373