Khẩn trương tháo gỡ mặt bằng thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Theo Bộ GTVT, các vướng mắc liên quan tới mặt bằng thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cần được tháo gỡ ngay trong tháng 3 để đẩy nhanh tiến độ.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Theo đó, về công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay thế, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai, hoàn thành thủ tục phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng, phương án trồng rừng thay thế trong tháng 3.
Các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng phương án tận thu tài sản trên phạm vi đất phải chuyển mục đích sử dụng rừng, tổ chức chặt hạ, thu gom cây và bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 4.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 gồm 3 dự án thành phần:
Dự án thành phần 1: Từ Km0+000 đến Km32+000, chiều dài khoảng 32km do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2: Từ Km32+000 đến Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3: Từ Km69+500 đến Km117+866 với chiều dài khoảng 48,5km do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Về GPMB, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, dự án thành phần 2 đã bàn giao được 188,15 ha/317,5 ha (đạt 58,4%), còn lại do một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và vướng diện tích phải chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ sớm thu hoạch cây cối, hoa màu trên phạm vi đất rừng; tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân chưa thống nhất phương án phê duyệt để bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 3.
Về mỏ vật liệu xây dựng thông thường, trên cơ sở hồ sơ trình của các chủ đầu tư, nhà thầu, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để kịp thời cung cấp cho dự án.
"Các chủ đầu tư, nhà thầu có trách nhiệm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan", Bộ GTVT nêu rõ yêu cầu.
Về bãi đổ vật liệu không thích hợp, UBND tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo UBND các huyện, xã trực tiếp tham gia phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tuyên truyền, vận động các hộ dân có liên quan.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kiểm lâm và các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ vướng mắc các vị trí bãi đổ vật liệu không thích hợp liên quan đến cơ quan quản lý lâm nghiệp; trường hợp cần thiết báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lâm nghiệp, các hộ dân để thống nhất phương án đổ vật liệu không thích hợp, giảm thiểu tác động đến quy hoạch sử dụng đất, môi trường.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng tiến độ tổng thể, tiến độ thi công chi tiết, tiến độ giải ngân, hoàn thành trước ngày 25/3; báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT làm cơ sở kiểm soát, chỉ đạo dự án. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT về việc đáp ứng tiến độ, chất lượng, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành kết nối đồng bộ.
Các chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy mạnh công tác thi công hoàn thành hệ thống đường công vụ dọc tuyến để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nhà thầu thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ, đảm bảo ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường khi thi công công trình dự án.
Đồng thời thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 01/2024 về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk với tổng chiều dài khoảng 117,5 km, gồm 32,7 km đi qua Khánh Hòa và khoảng 84,8 km qua Đắk Lắk.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.935 tỷ đồng.
Dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và khai thác đồng bộ toàn tuyến vào năm 2027.