KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN LIÊN THÔNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo; phấn đấu đến năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai kịp thời Nghị quyết số 06/NQ-CP đặc biệt là các mục tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; tỷ lệ thất nghiệp (ở khu vực thành thị và nông thôn). Chỉ đạo các bộ, ngành đặc biệt quan tâm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài; chỉ đạo hỗ trợ người lao động sau khi về nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời các tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trái phép.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới. Chỉ đạo các Bộ, ngành thống kê số lượng người hưởng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 theo hướng: số lượng người sống bằng và dưới chuẩn nghèo nông thôn; số lượng người ở thành thị sống bằng và dưới chuẩn nghèo ở thành thị, đặc biệt ở các địa phương có chuẩn nghèo thành thị cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, từ đó tiếp tục có những chính sách hợp lý với những đối tượng này.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị tập trung hoàn thành các chính sách về: Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp "giữ chân" và "thu hút" lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diên, hướng tới thị trường lao động đa dạng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo; Phấn đấu đến năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; Khắc phục tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội; Đề án nâng cao năng lực cung cầu lao động. Chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, như sau: Chỉ đạo rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt CTMTQG GNBV và các VBQPPL khác của Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Trong chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho các địa phương, bộ ngành thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; - 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm) cần quan tâm đảm bảo tính bền vững, thực chất để cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, có sinh kế ổn định, thu nhập, điều kiện sống được nâng cao, không bị rơi vào tái nghèo, cận nghèo. Chỉ đạo sớm xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo Chỉ thị số 05 nhằm nâng cao hiệu quả công tác GNBV.

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội đề nghí Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục bám sát định hướng, ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền về nội dung cũng như thời gian trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể. Tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành và đôn đốc việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nội dung còn nợ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Người cao tuổi. Chủ động rà soát những nội dung đã cụ thể hóa bằng văn bản (Điều 16, nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng) mặc dù đã quy định nhưng cần xem lại tính phù hợp với thực tiển để có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023. Nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 theo hướng có quy định về báo cáo về cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Đẩy mạnh liên kết thực tế trong Hệ thống Cơ sở dữ liệu giữa Cục Quản lý Lao động ngoài nước và địa phương.

Liên quan đến CTMTQG GNBV giai đoạn 2021- 2025, Ủy ban Xã hội đề nghị khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các VBQPPL hướng dẫn thực hiện 03 CTMTQG thuộc trách nhiệm của Bộ phụ trách, trong đó có CTMTQG GNBV. Nghiên cứu thành lập Tổ công tác trực thuộc Bộ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tham mưu, xây dựng VBQPPL liên quan đến CTMTQG GNBV và triển khai xuống trực tiếp địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình đạt thấp để phát hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn nhanh hơn.

Ngoài ra, cần khẩn trương biên soạn, ban hành cẩm nang/sổ tay hướng dẫn thực hiện nội dung liên quan đến CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 để các bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở thuận tiện áp dụng, thực hiện.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80480