Khẳng định vị thế và thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao trên thị trường

Trong hành trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã và đang tạo động lực để các địa phương khơi dậy tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng. Tại Hưng Yên, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao không chỉ khẳng định vị thế về chất lượng mà còn từng bước vươn ra thị trường rộng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương ngày càng uy tín, bền vững.

Sản phẩm kẹo lạc của cơ sở bánh cáy Đình Mạnh đạt OCOP 4 sao

Sản phẩm kẹo lạc của cơ sở bánh cáy Đình Mạnh đạt OCOP 4 sao

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy hải sản, mở rộng thị trường. Trong đó, Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh, xã Nam Cường là một trong những đơn vị tiên phong kết hợp giữa sản xuất truyền thống và tiêu chuẩn OCOP hiện đại. Mỗi năm, công ty thu mua, chế biến và tiêu thụ khoảng trên 1.800 tấn hải sản, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2022, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP, với 4 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: Tép khô, chả tôm, nõn tôm, chả cá song. Đặc biệt, năm 2025, sản phẩm ruốc bề bề của công ty đã được Hội đồng OCOP tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, dấu mốc khẳng định nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp trong việc nâng tầm sản phẩm đặc trưng vùng biển. Anh Phạm Văn Đồng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Sản phẩm ruốc bề bề là kết tinh của cả một quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, chế biến sạch, không phụ gia đến đóng gói hiện đại. Sản phẩm hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên... Với bao bì đẹp mắt, thông tin minh bạch và có mã QR truy xuất nguồn gốc, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, ruốc bề bề còn là minh chứng cho việc một sản vật địa phương có thể vươn tầm thương hiệu nhờ sự kiên trì, bài bản và tâm huyết của người làm nghề. Qua đó, góp phần giúp doanh thu của công ty đạt trên 16 tỷ đồng mỗi năm. Từ sản phẩm làng nghề truyền thống, ruốc bề bề nay đã trở thành món quà quê mang thương hiệu rõ ràng, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Không chỉ nổi bật với hải sản, Hưng Yên còn lưu giữ nhiều sản vật truyền thống mang đậm hồn cốt quê lúa. Trong đó, bánh cáy - đặc sản làng Nguyễn, xã Đông Hưng từ lâu đã trở thành món quà quê được người dân trân trọng gìn giữ. Chiếc bánh mộc mạc làm từ nếp cái hoa vàng, lạc, gừng, vừng... là kết tinh của đất đai, khí hậu và bàn tay người thợ tài hoa. Ông Nguyễn Đình Mạnh, chủ cơ sở tiêu biểu trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị bánh cáy truyền thống chia sẻ: Nhờ có chương trình OCOP, thương hiệu của chúng tôi ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ khi đạt OCOP 4 sao năm 2022, sản phẩm tăng trưởng mỗi năm trên 20%. Bánh cáy, kẹo lạc và kẹo vừng hiện là 3 sản phẩm bán chạy nhất, tăng trưởng trên 30%. Không chỉ phát triển về quy mô, doanh thu, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, xưởng sản xuất khoảng 2,5 tấn bánh kẹo mỗi ngày, tăng lên 6 - 8 tấn/ngày vào dịp cao điểm, góp phần tạo sinh kế, giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ trong vùng.

Những kết quả tích cực từ chương trình OCOP tại Hưng Yên cho thấy rõ hiệu quả của việc phát triển sản phẩm nông thôn gắn với xây dựng thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, để OCOP thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, bên cạnh nỗ lực của các chủ thể, còn có sự đồng hành tích cực của chính quyền các cấp. Tại nhiều địa phương, chính quyền đã chủ động rà soát, đánh giá tiềm năng sản phẩm thế mạnh, định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ thủ tục đăng ký, kết nối đơn vị tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng marketing, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều xã còn tích cực mời gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình, tạo thành hệ sinh thái OCOP đa dạng, phong phú và chuyên nghiệp hơn. Nhờ sự đồng hành đó, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao như ruốc bề bề, bánh cáy, gạo, nhãn lồng, trà thảo dược… không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ mà từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều quan trọng hơn, chương trình OCOP đang tạo cơ hội để các sản phẩm truyền thống vươn lên, tiếp cận thị trường rộng lớn một cách bài bản, chuyên nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực.

Hưng Yên xác định OCOP tiếp tục là giải pháp chủ lực để phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa giúp sản phẩm quê hương không chỉ được biết đến mà còn được tin tưởng, vươn xa và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Đức Dũng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khang-dinh-vi-the-va-thuong-hieu-san-pham-ocop-4-sao-tren-thi-truong-3182547.html