Khen con nhiều, trẻ có thể sinh tính kiêu căng, tự phụ
Lời khen ngợi, khích lệ của cha mẹ giúp trẻ thêm tự tin và nỗ lực khắc phục các nhược điểm. Nhưng nếu được người lớn khen ngợi quá nhiều, trẻ có thể sinh tính kiêu căng, tự phụ.
Nên khích lệ con trẻ ra sao cho hợp lý là điều nhiều bậc phụ huynh băn khoăn. Lời khen cần được trao cho trẻ đúng lúc, mới có thể giúp con bạn tự tin mà không kiêu ngạo.
Điều đầu tiên bạn nên biết là: khích lệ là điều gì đó tự nhiên xảy ra trong cuộc sống. Khi một đứa trẻ tìm hiểu và thấy một điều gì đó thú vị, chúng cảm thấy thỏa mãn; khi một cậu bé nói chuyện với anh trai lớn hơn mình vài tháng tuổi và người anh nhìn lại cậu bé, cậu cảm thấy thỏa mãn và khi đứa bé đáp lại, người anh trai cũng cảm nhận được niềm vui được kết nối với một người khác.
Chúng ta không cần thiết phải thừa nhận và khen thưởng từng việc con làm, bởi những lời khen ngợi có thể mất đi giá trị nếu lặp đi lặp lại quá nhiều. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta khen thưởng khi nhìn thấy sự tiến bộ, thái độ mới và tích cực, chẳng hạn như sự nỗ lực hoặc tập trung khi trẻ sửa chữa lỗi lầm hoặc khi con muốn chia sẻ niềm vui.
Chúng ta biết rằng phần thưởng đến sau hành vi càng sớm thì càng hiệu quả. Bộ não hoạt động trong tích tắc, do đó, việc liên kết hành vi này với một hành vi khác, chẳng hạn như dọn dẹp đồ chơi và cảm giác dễ chịu, hoặc những lời khen ngợi của mẹ, có nghĩa là hai trải nghiệm đó phải diễn ra liên tiếp nhau.
Đôi khi, trao phần thưởng ngay lập tức không dễ chút nào, vì một số thử thách và nhiệm vụ yêu cầu những phần thưởng lớn. Giả sử bạn đặt mục tiêu cho đứa con cả là bỏ quần áo bẩn vào giỏ mỗi ngày trong một tuần.
Đây có thể là một mục tiêu khó duy trì đối với trẻ nhỏ, nhưng chúng ta có thể giúp trẻ cảm thấy thỏa mãn bằng cách vẽ một dấu tích lên bảng đen hoặc bằng cách dán hình mặt cười lên một mẩu giấy cạnh giỏ đựng đồ giặt mỗi khi trẻ làm đúng. Bằng cách này, chúng ta không chỉ khiến trẻ cảm thấy được khen thưởng bằng cách ghi nhận mỗi khi trẻ làm tốt mà còn giúp trẻ trì hoãn phần thưởng cuối cùng bằng cách chia nó thành những niềm vui nhỏ, dễ đạt được hơn.
Đây thực sự là một kỹ năng khó đối với bộ não, kỹ năng này giúp phân biệt giữa những người có khả năng đạt được mục tiêu và những người không đạt được mục tiêu. Vì vậy, chia mục tiêu dài hạn thành những thú vui nhỏ là một chiến lược hữu ích với trẻ.
Có lẽ sai lầm thường gặp nhất mà tôi thấy trong giáo dục trẻ em là cha mẹ không biết cách khen thưởng sự thay đổi. Thông thường, cha mẹ có thể gặp phải những tình huống mà họ không thích. Một đứa trẻ đánh anh mình, cắn bạn cùng lớp, hay đơn giản là không muốn mặc quần áo khi chúng ta yêu cầu.
Tại thời điểm này, tôi sẽ tặng bạn một lời khuyên có giá trị tương đương khối vàng có cân nặng bằng con bạn: đừng chờ đợi hành vi của trẻ đúng được như bạn mong đợi. Hãy khen thưởng trẻ khi chúng làm mọi việc tốt hơn một chút hoặc đỡ kém hơn một chút so với ngày hôm trước.
Tôi đã làm việc trong suốt 15 năm với những bệnh nhân gặp vấn đề về hành vi ở mức nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, và tôi có thể đảm bảo với bạn rằng trong mọi trường hợp, chìa khóa để khiến họ thực hiện hành vi tốt bao gồm đánh giá và tập trung vào những cải thiện nhỏ.
Chắc chắn sẽ thật tuyệt vời nếu ai đó thay đổi tốt lên chỉ sau một đêm, giá mà chúng ta có thể nói với một cậu bé hai tuổi rằng: “Jamie, mẹ muốn con không cắn người khác nữa”, sau đó cậu bé thay đổi cách cư xử của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng bộ não không hoạt động như vậy.
Bộ não thay đổi từng chút một, dựa trên sự lặp đi lặp lại và những lần gần đúng liên tiếp. Tôi muốn giải thích rằng kích thích sự thay đổi trong não bộ của trẻ cũng giống như tạo ra một con đường mới xuyên qua cánh đồng cỏ. Để trẻ quen với việc đi theo con đường mới, trước tiên trẻ phải bước ra khỏi con đường cũ.
Thứ hai, trẻ phải tiếp tục đi theo hướng mà chúng ta chỉ. Thứ ba, trẻ phải đi bộ dọc theo con đường đó nhiều lần, trong nhiều ngày và nhiều tuần, để cỏ bị giẫm nát và một con đường mòn bắt đầu hình thành.
Và cuối cùng, bạn phải tin tưởng rằng cỏ sẽ mọc đầy trên con đường cũ mà chúng ta không muốn quay lại. Theo nghĩa này, cách tốt nhất để thúc đẩy hành vi của trẻ là khuyến khích hành vi đó khi trẻ đặt chân lên con đường mà chúng ta muốn con đi theo.
Nguồn Znews: https://znews.vn/khen-con-nhieu-tre-co-the-sinh-tinh-kieu-cang-tu-phu-post1527353.html