Khi nào lao động Việt Nam sang Nhật Bản không mất phí?

Ngày 5-4, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) phối hợp tổ chức: 'Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản 2023 tại Hà Nội - Tối ưu hóa giao lưu nhân lực - Hướng đến mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế'.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, từ 2013 đến nay, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tăng nhanh chóng, đặc biệt giai đoạn 2013- 2019 tăng gấp 8 lần so với trước. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản.

Theo ông Phạm Viết Hương, năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản ký chương trình hợp tác triển khai chương trình kỹ năng đặc định với nhiều quyền lợi dành cho người lao động. Đến tháng 12-2022, đã có 77.000 lao động Việt Nam đi làm việc chương trình kỹ năng đặc định, chiếm tổng số 58% tổng số lao động diện chương trình kỹ năng đặc định đang làm việc tại Nhật Bản.

 Các diễn giả tại Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản 2023.

Các diễn giả tại Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản 2023.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tháng 11-2020, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Shishido Kenichi, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, vấn đề lớn lao động Việt Nam đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này khiến tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

“Vào tháng 12-2022, các cơ quan Nhật Bản bắt đầu thảo luận về cơ chế mới, làm sao để người lao động nước ngoài sang Nhật Bản không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững”, ông Shishido Kenichi cho hay.

Bà Ingrid Chriestensen, Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) Việt Nam cho biết, theo tính toán của ILO cho thấy, hiện mỗi năm, lao động Việt Nam tại Nhật Bản gửi về nước khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí mà người lao động Việt Nam phải trả để đi làm việc tại Nhật Bản ở mức cao hàng đầu trong số các nước phái cử, khoảng 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD). Bà Ingrid Chriestensen cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động.

Kết luận diễn đàn, ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS) nhấn mạnh, con đường chi phí 0 đồng cho người xuất khẩu lao động tới Nhật Bản là con đường dài nhưng sẽ ngắn hơn nếu các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nỗ lực của các bên để người lao động không phải chịu sự thiệt thòi trong mức phí đi xuất khẩu lao động quá cao. Mặt khác, cần sự thảo luận của phía Nhật Bản, bao nhiêu doanh nghiệp chấp nhận giảm phí hoặc phí 0 đồng đối với người lao động Việt Nam; mức lương của người lao động đi theo phí 0 đồng hoặc có phí sẽ được cân đối như thế nào, tiến tới công bằng đối với người lao động.

Tin, ảnh: HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/khi-nao-lao-dong-viet-nam-sang-nhat-ban-khong-mat-phi-724000