Khoảng 40-50% địa phương sẽ chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình sinh thái
Đến năm 2030, khoảng 40-50% các địa phương có kế hoạch chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái; trong đó, 8-10% có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.
![Thuan Thanh Eco-Smart IP là khu công nghiệp đầu tiên của Viglacera phát triển theo hướng KCN xanh, thông minh. Ảnh: Viglacera](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_324_51446876/14b73baf0fe1e6bfbff0.jpg)
Thuan Thanh Eco-Smart IP là khu công nghiệp đầu tiên của Viglacera phát triển theo hướng KCN xanh, thông minh. Ảnh: Viglacera
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đang trở thành một xu hướng quan trọng trong phát triển công nghiệp và kinh tế tại Việt Nam. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cộng đồng mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đón đầu xu hướng này.
Khu công nghiệp sinh thái là một mô hình khu công nghiệp đặc biệt, trong đó các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất tại đây với mục tiêu tạo ra các sản phẩm “xanh” và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Mô hình khu công nghiệp này tập trung vào sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất cộng sinh; đảm bảo tính bền vững và góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực công nghiệp.
Những năm gần đây, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Đến năm 2030, ước tính khoảng 40-50% các tỉnh, thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái; trong đó, 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.
Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, hiện nay tuy số lượng khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng. Ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội nhận xét, hầu hết dự án khu công nghiệp hiện hữu đều được phát triển theo mô hình truyền thống, chưa được áp dụng nhiều giải pháp thiết kế theo hướng bền vững. Việc phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đang ở thời kỳ đầu và sẽ là câu chuyện dài hạn.
Các chuyên gia nhận định, khu công nghiệp sinh thái cũng là công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực tại các nước như Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.... Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được đề cập và nhấn mạnh trong các chủ trương lớn, quan trọng của Đảng.
Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp từ mô hình truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ đối tác nước ngoài để hình thành, phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng bền vững trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) triển khai thí điểm tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từ năm 2020 đến 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Cho đến nay, mô hình khu công nghiệp sinh thái đang được nhân rộng tại một số địa phương. Qua quá trình phát triển, mô hình này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Ngoài việc chuyển đổi các khu công nghiệp sinh thái thì các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với tư tưởng mới đã đề xuất nhiều dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái mới ngay từ đầu với những cam kết mạnh mẽ hơn về chiến lược phát triển bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, lập hồ sơ tiếp cận chủ trương đầu tư cũng như định hướng thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Văn Chính - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết, đơn vị đã chủ động khởi động hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Với 25 năm kinh nghiệm, IDICO là đơn vị tiên phong trong hành trình phát triển bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam. Đến hiện tại IDICO đã đầu tư và vận hành hệ thống 12 khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam với tổng diện tích gần 4.000 ha; thu hút hơn 400 doanh nghiệp trong đó có các nhà đầu tư lớn như Suntory Pepsico, Fujiya, Hyosung, Messer...
Trong bối cảnh và xu hướng các nhà đầu tư lớn đặt tiêu chí môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu, IDICO đã tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển các khu công nghiệp theo định hướng xanh và bền vững, mục tiêu sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu về khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng khắt khe của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế - ông Phan Văn Chính chia sẻ.
Đơn cử như tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng, dự án được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật từ JICA để xây dựng các giải pháp quản lý và vận hành khu công nghiệp thông minh nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, thúc đẩy tối đa việc giảm phát thải tác động tiêu cực đến môi trường. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị bền vững mà còn được xác định là "chìa khóa" để IDICO thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sở hữu vị trí chiến lược tại Bà Rịa – Vũng Tàu, gần cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, Khu công nghiệp Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng có lợi thế lớn trong kết nối và logistics. Việc phát triển theo mô hình khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái không chỉ giúp doanh nghiệp tại đây đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe mà còn tạo ra một hệ sinh thái sản xuất bền vững, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải và hướng tới Net Zero của địa phương này cũng như cả nước.
Bước đầu IDICO đang triển khai chuyển đổi từ các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại khu vực này. Hiện IDICO đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải và khí thải ra môi trường; sử dụng nền tảng giám sát khu công nghiệp thông minh cho phép quản lý và giám sát hiêu quả sử dụng năng lượng.
Kingspan - một nhà đầu tư uy tín đến từ Ireland và cũng là đối tác chiến lược của IDICO tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng cho biết, vừa qua, Kingspan Phú Mỹ đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên toàn bộ phần mái của nhà máy. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Dự án không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc giải quyết biến đổi khí hậu mà còn là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Kingspan với chương trình phát triển bền vững toàn cầu Planet Passionate. Hệ thống điện năng lượng mặt trời này dự kiến giúp giảm hơn 1.000 tấn CO2 mỗi năm, đóng góp đáng kể vào mục tiêu sản xuất năng lượng tại chỗ đạt 20%. Đặc biệt với lợi thế vị trí địa lý, Kingspan Phú Mỹ khẳng định sẽ vượt hơn 50% mục tiêu này - doanh nghiệp này chia sẻ.
Cột mốc này của Kingspan không chỉ là cam kết đối với môi trường mà còn thể hiện sự đồng hành bền vững của các doanh nghiệp đang hoạt động trong hệ thống các khu công nghiệp của IDICO. Đây cũng chính là câu chuyện chung mà cả chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều khu công nghiệp khắp cả nước đang hướng đến. Bởi chính các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu Net-Zero trong tương lai.