VCCI kiến nghị không hồi tố giai đoạn chuyển đổi Nghị định 70

Nghị định 70 được đánh giá là bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch và hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế, tuy nhiên khi thực hiện cần phải có những điều chỉnh để sát với thực tế.

Theo VCCI, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, giảm thất thu ngân sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ chính sách cải cách lớn nào, quá trình triển khai ban đầu của Nghị định 70 đã bộc lộ nhiều vướng mắc và lúng túng, đặc biệt với nhóm hộ kinh doanh nhỏ vốn chưa từng tiếp cận với công nghệ số hay quy trình kê khai thuế chuẩn hóa.

Trước thực tế đó, VCCI đã chủ động thực hiện khảo sát diện rộng và tổ chức hội thảo tham vấn về kết quả điều tra hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn, chứng từ tại Nghị định 70, nhằm ghi nhận đầy đủ hơn những khó khăn từ phía hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ - những chủ thể trực tiếp chịu tác động từ chính sách.

Đây là thời điểm quan trọng để cùng rà soát lại quá trình triển khai, nhận diện các điểm nghẽn kỹ thuật và pháp lý, từ đó đề xuất những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cho Nghị định 70 có thể phát huy đúng mục tiêu thiết kế ban đầu: thúc đẩy tính minh bạch mà vẫn khả thi trong thực tế.

Việc chuyển đổi từ phương pháp thuế khoán sang kê khai và áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là bước thay đổi căn bản đối với hộ kinh doanh cá thể - nhóm đối tượng vốn chưa từng tiếp cận công nghệ số hóa hay quy trình kê khai thuế phức tạp.

Trong giai đoạn đầu triển khai, phần lớn hộ kinh doanh vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, làm quen với phần mềm, thiết bị và quy trình mới. Trong khi đó, hướng dẫn từ cơ quan thuế tại các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến không ít trường hợp lúng túng, sai sót không chủ đích trong thực hiện.

Dữ liệu từ khảo sát cũng cho thấy 68% hộ không hiểu rõ cách sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, 69% chưa từng được tập huấn hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan thuế, 77% cảm thấy lo lắng trước nguy cơ bị xử phạt vì thiếu sót kỹ thuật.

Khi thông tin chưa được phổ biến đầy đủ, nền tảng công nghệ chưa được chuẩn hóa đồng bộ, và hướng dẫn triển khai còn thiếu nhất quán thì việc người kinh doanh lo ngại và phản ứng thận trọng là điều hoàn toàn có thể dự đoán.

Trong bối cảnh đó, lựa chọn tạm ngừng hoạt động lại trở thành phương án an toàn của nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là nhóm tiểu thương, hộ kinh doanh không có nghiệp vụ kế toán và ít khả năng tiếp cận thông tin chính sách kịp thời.

Vì vậy, việc không xử phạt hành chính, không truy thu hồi tố trong giai đoạn từ ngày 1-6 đến 31-12 cần được xem xét là một giải pháp thiết thực. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để các chủ thể liên quan tiếp cận và làm quen với hệ thống mới, đồng thời cũng tạo điều kiện để cơ quan quản lý kịp thời hoàn thiện các hướng dẫn, chuẩn hóa phần mềm và tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật phát sinh.

Nỗi lo của hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ không chỉ dừng ở các rủi ro phát sinh sau khi Nghị định 70 có hiệu lực, mà còn kéo dài đến cả những giao dịch đã diễn ra trong quá khứ. Việc chuyển từ hình thức thuế khoán sang kê khai - dù hợp lý về mặt quản lý - lại đang khiến nhiều hộ kinh doanh lo ngại khả năng bị “soi ngược”, bị truy thu hoặc xử phạt.

Do đó, VCCI và các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị không nên hồi tố nghĩa vụ thuế, không truy thu và không xử phạt đối với các giao dịch trước thời điểm hộ kinh doanh chính thức chuyển sang phương pháp kê khai. Chính sách không hồi tố sẽ tạo điều kiện để hộ kinh doanh yên tâm thực hiện chuyển đổi, hợp thức hóa hoạt động và đồng hành cùng cơ quan thuế trong việc nâng cao tính tuân thủ.

VCCI cũng kiến nghị cơ quan thuế không xử phạt người bán đã thực hiện nghĩa vụ xuất hóa đơn nhưng không có thông tin người mua hoặc không xác định được người mua hàng và sớm ban hành hướng dẫn cho phép người bán ghi rõ “người mua không cung cấp thông tin” trong trường hợp này.

Được biết, Nghị định 70 yêu cầu trên hóa đơn điện tử phải có mã số thuế hoặc số định danh cá nhân của người mua, trừ trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua không kinh doanh.

Quy định này dẫn đến khó khăn cho các hộ kinh doanh, vì trên thực tế nhiều khách hàng đến mua hàng mà hộ kinh doanh không thể xác định được họ là cá nhân tiêu dùng hay cá nhân kinh doanh.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vcci-kien-nghi-khong-hoi-to-giai-doan-chuyen-doi-nghi-dinh-70-post124229.html