Khởi động Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dịp 19/8

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo sẽ dồn lực để thực hiện khởi động Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong dịp 19/8, khởi công tuyến vào tháng 12 tới.

Thực hiện khởi động Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dịp 19/8 và khởi công tuyến vào tháng 12 tới là chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các Dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn Thành phố) tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo diễn ra sáng nay. Cùng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn – Phó Trưởng Ban chỉ đạo và đại diện các sở ngành, các xã có hai dự án đường sắt đi qua.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 187 ngày 19/02/2025, có chiều dài khoảng 37,5 km, đi qua địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (trước đây) nay là 6 xã: Tiến Thắng, Quang Minh, Phúc Thịnh, Thư Lâm, Phù Đổng, Thuận An. Dự kiến khối lượng GPMB trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 245,2 ha.

Tại cuộc họp, đại diện các xã báo cáo Ban chỉ đạo về diện tích đất thu hồi và một số khó khăn liên quan tới việc tái định cư, tạm cư (xã Ngọc Hồi, Thường Tín) và một số khu vực đi qua khu vực đình chùa, đất quốc phòng (xã Phù Đổng). Do vậy, các địa phương đề nghị cơ quan thường trực làm việc với Bộ Xây dựng cung cấp về chỉ giới đường đỏ để thành phố thực hiện việc cắm mốc ngoài hiện trường. Từ đó làm cơ sở để các xã kiểm đếm, chuẩn bị các bước cho việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172 ngày 30/11/2024. Chiều dài tuyến đi qua trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 27,9km, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng trên 110 ha, nằm trên địa bàn các xã: Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên trước đây).

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Tài chính theo dõi, bám sát hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính về việc bố trí nguồn vốn theo quy định, trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương xác định nguồn vốn để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện 02 dự án theo quy định. Theo quy định mới của Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua cũng như việc vận hành chính quyền 2 cấp, hiện xã sẽ là cơ quan lập quy hoạch và là chủ đầu tư của các dự án giải phóng mặt bằng, dự án tái định cư tại địa phương.

Ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: "Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các đồng chí lãnh đạo xã tham dự cuộc họp này báo cáo với Thường trực Đảng ủy xã để bảo đảm tinh thần quyết liệt, thông suốt mọi chỉ đạo từ Trung ương đến thành phố xuống các địa phương. Trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã phải là Trưởng Ban chỉ đạo GPMB của xã để chỉ đạo thực hiện các dự án GPMB trên địa bàn liên quan đến 2 dự án quan trọng này. Chủ tịch cũng đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc và các xã phải khẩn trương đưa ra được vị trí tái định cư ngay vào tuần sau với tinh thần vừa chạy, vừa xếp hàng”.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Liên quan đến 2 dự án này, chúng ta cần chủ động và trong tuần sau phải chốt được các điểm tái định cư trên địa bàn. Về phía Sở Quy hoạch Kiến trúc, cần sớm tham mưu thành phố quy hoạch các khu tái định cư phục vụ các dự án đầu tư của thành phố từ nay đến năm 2030".

Chủ tịch cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Thiết kế cơ sở, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư làm cơ sở để xác định ranh giới, hồ sơ mốc giới chính thức phục vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng 2 dự án đường sắt theo quy định.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khoi-dong-du-an-duong-sat-lao-caiha-noihai-phong-dip-198-346084.htm