Khởi động dự án sử dụng phân bón hiệu quả trị giá 4 triệu USD

Đây là dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ và Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện đối với ngành hàng lúa và cà phê tại các vùng chuyên canh lúa Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tỉnh Đắk Lắk và Thái Bình.

Dự án dự dài 4 năm với tổng ngân sách khoảng 4 triệu USD do phía Mỹ tài trợ. Ảnh minh họa.

Dự án dự dài 4 năm với tổng ngân sách khoảng 4 triệu USD do phía Mỹ tài trợ. Ảnh minh họa.

Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã họp trao đổi về Dự án “Sử dụng phân bón đúng (Fertilizer Right) tại Việt Nam” ngày 18/8. Dự án dự kiến kéo dài 4 năm với tổng ngân sách khoảng 4 triệu USD do phía Mỹ tài trợ.

Dự án thuộc chương trình Thách thức phân bón toàn cầu (Global Fertilizer Challenge) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ và Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện. Đây là cam kết của Mỹ và các quốc gia châu Âu để giúp các nước thu nhập thấp và trung bình giải quyết tình trạng thiếu phân bón toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ hợp tác với chính phủ các nước và tổ chức trên toàn thế giới để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và quản lý chất dinh dưỡng, bắt đầu từ Brazil, Colombia, Pakistan và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự đồng hành của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ngay từ công tác chuẩn bị, khảo sát và trao đổi với các đối tác liên quan, tham vấn xây dựng văn kiện dự án.

Dựa trên kết quả khảo sát và tham vấn với các đối tác tại Việt Nam, đoàn công tác Mỹ đề xuất tập trung phát triển ngành hàng lúa và cà phê tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Đắk Lắk và Thái Bình.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MARD.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MARD.

Đại diện phái đoàn Mỹ, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp sứ quán Mỹ cho biết, Mỹ chọn Bộ NN&PTNT là đầu mối để thực hiện hiệu quả dự án sử dụng phân bón đúng tại Việt Nam. Ông đánh giá cao sự tiên phong của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là những nỗ lực hiện thực hóa Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ông Ralph Bean mong rằng dự án sẽ giúp cải thiện hiệu suất sử dụng phân bón, cũng như tăng hiệu quả phân bón và tăng cường các giải pháp thay thế giúp giảm phát thải nhà kính, hướng tới cam kết toàn cầu tại COP26.

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Trung dự án này có quy mô lớn và quy trình phức tạp, bao gồm: Chuyển giao công nghệ tới các địa phương, xây dựng dữ liệu về quản lý dinh dưỡng đất và quản lý cơ cấu mùa vụ, cây trồng, tập huấn, đào tạo năng lực và ban hành chính sách liên quan.

“Sự hỗ trợ chuyên môn, khoa học kỹ thuật từ Chính phủ Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng giá trị hạt gạo trong 'thời điểm vàng’ của ngành lúa gạo Việt Nam. Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để làm rõ thủ tục, xây dựng kế hoạch cụ thể, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đánh giá cao tầm quan trọng của dự án này không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều khu vực trên thế giới, thực hiện cam kết toàn cầu tại COP 26 về nền nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở hướng dẫn của phía Mỹ, Bộ NN&PTNT mong muốn nhanh chóng phối hợp với IRRI để sớm có kế hoạch, chậm nhất vụ đông xuân 2023 - 2024 đưa dự án vào hoạt động.

Thời gian tới, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) sẽ trao đổi với Tham tán Nông nghiệp Mỹ để hoàn thiện các văn bản liên quan, soạn thảo Bản ghi nhớ về Sáng kiến “Sử dụng phân bón đúng”, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ để toàn lực hỗ trợ dự án.

Sáng kiến “Sử dụng phân bón đúng” nhằm giảm phát thải khí nhà kính bắt nguồn từ việc tăng năng suất, hiệu quả phân bón, phát triển các giải pháp thay thế cho phân bón hóa học, cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất.

Cơ sở của dự án này là khái niệm “4 đúng”, gồm: Đúng nguồn, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng địa điểm trong quản lý dinh dưỡng, được chứng nhận bởi các chuyên gia trong ngành phân bón Mỹ.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-dong-du-an-su-dung-phan-bon-hieu-qua-tri-gia-4-trieu-usd-post25830.html