Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Mong muốn từ người học

Dù được quan tâm và đạt kết quả nhất định, nhưng hoạt động giáo dục kiến thức và thúc đẩy khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục còn nhiều thách thức.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tham gia triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tham gia triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Ảnh: NTCC

Đẩy mạnh hơn giáo dục khởi nghiệp với những hoạt động chất lượng, bài bản, thiết thực là mong muốn chung của người học.

Còn nhiều khó khăn

Năm 2017, Bộ GD&ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Báo cáo sơ kết sơ kết 6 năm triển khai Đề án, Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48% vào cuối năm 2023.

Cùng đó, 75% cơ sở giáo dục đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua lớp kỹ năng khởi nghiệp. Hằng năm, tổ chức truyền cảm hứng khởi nghiệp cho hơn 10.000 học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục. 100% cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Tổ chức thí điểm xây dựng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong trường phổ thông tại một số địa phương...

Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp còn ít kinh nghiệm, đa số kiêm nhiệm; một số cán bộ phụ trách chưa tâm huyết, nhiệt tình; không có tiêu chuẩn, tiêu chí với cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp. Vì là vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai, nên việc đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo không đạt yêu cầu.

Tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp cho sinh viên ít, chưa sát thực tiễn. Với cơ sở giáo dục phổ thông, chưa hình thành được đội ngũ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; công tác phối hợp nhà trường, doanh nghiệp chưa được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, chủ yếu dừng ở truyền cảm hứng…

Theo ông Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Mở Hà Nội), nhà trường triển khai các chương trình khởi nghiệp từ năm 2018 và đạt kết quả khích lệ. 100% sinh viên được học các nội dung về kỹ năng mềm, khởi nghiệp thông qua buổi sinh hoạt công dân và học phần chuyên đề.

Một số khoa đã tích hợp kỹ năng thuyết trình, triển khai dự án vào chương trình chính khóa. Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo HOU.SV.STARTUP của nhà trường (2021 - 2024) thu hút gần 300 ý tưởng khởi nghiệp đến từ hơn 1.000 sinh viên; một số dự án đạt giải cao toàn quốc.

Website startup.hou.edu.vn giúp kết nối dự án của sinh viên với nhà đầu tư, tạo điều kiện lan tỏa ý tưởng khởi nghiệp và được hỗ trợ tài chính. Hơn 300 chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp đã tham gia đồng hành, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại trường. Số lượng sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp tăng từ 30 người (2018) lên hơn 400 người (2024). Hơn 8% sinh viên tốt nghiệp tự tạo việc làm qua dự án khởi nghiệp của mình…

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức của nhà trường là số sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để triển khai dự án trong thực tế chưa nhiều. Việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các dự án khởi nghiệp. Sự liên kết giữa ý tưởng sáng tạo của sinh viên và nhu cầu thực tế chưa thật sự chặt chẽ.

Tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), chia sẻ của thầy giáo Đào Văn Phúc: Nhà trường đã thành lập ban tư vấn, định hướng nghề; tuyên truyền nâng cao nhận thức kỹ năng cho học sinh; phối hợp các trung tâm tư vấn, tuyển sinh, định hướng nghề của tỉnh tổ chức tư vấn nghề cho học sinh và có mời phụ huynh tham dự.

Tuy nhiên, thách thức lớn của nhà trường là nhận thức của học sinh và phụ huynh. Không nhiều học sinh của trường tiếp tục học lên đại học, cao đẳng. Phụ huynh chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho con em học tập, đồng ý cho con em bỏ học giữa chừng để đi làm, lập gia đình.

 Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) tìm hiểu về ngành nghề. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) tìm hiểu về ngành nghề. Ảnh: NTCC

Gửi gắm nhiều mong muốn

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, ông Đỗ Ngọc Anh cho rằng, hoạt động khởi nghiệp chưa được tích hợp đầy đủ vào chương trình học chính khóa. Phần lớn các học phần kỹ năng khởi nghiệp vẫn mang tính bổ trợ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn của sinh viên. Nhà trường chưa xây dựng được nguồn quỹ ổn định hoặc cơ chế hỗ trợ tài chính rõ ràng cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Việc kết nối với nhà đầu tư và các tổ chức bên ngoài chưa được tận dụng triệt để, khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Từ đó, ông Đỗ Ngọc Anh đề xuất nâng cao vai trò cố vấn với việc tăng cường hỗ trợ sinh viên thông qua các chuyên gia, cùng kinh nghiệm thực tiễn. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ; từ đó kết nối nguồn vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp. Tận dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ sinh viên phát triển sản phẩm và kết nối nguồn lực.

Nhận định nhà trường luôn quan tâm, có nhiều hoạt động khuyến khích sinh viên sáng tạo, phát triển tư duy khởi nghiệp, Trần Thị Ngọc Châu - sinh viên Sư phạm Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đồng thời mong muốn nhà trường tổ chức thêm các buổi thực hành khởi nghiệp, nơi sinh viên được tự tay thực hiện ý tưởng từ lên kế hoạch, gọi vốn, đến triển khai thực tế.

Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường với mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp và những khóa học chuyên sâu về các lĩnh vực khởi nghiệp, cụ thể như giáo dục, công nghệ hay nông nghiệp. Bên cạnh đó, trường hỗ trợ thêm tài liệu, nền tảng công nghệ và đặc biệt các quỹ khởi nghiệp nhỏ dành riêng cho sinh viên.

Em Bùi Thị Thùy - học sinh Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thì mong muốn nhà trường tổ chức nhiều hơn các buổi nói chuyện, hội thảo về khởi nghiệp để nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh; cung cấp kiến thức, kỹ năng cụ thể về khởi nghiệp cho các em, như lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, tiếp thị.

Nhà trường cũng có thể mời những người thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng; tạo cơ hội cho học sinh kết nối với doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp để học hỏi, thực hành.

“Em cũng mong phát triển chương trình giáo dục khởi nghiệp chính thức trong trường; cung cấp các khóa học, hoạt động đa dạng về khởi nghiệp cho học sinh. Nhà trường thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp để học sinh có thể thảo luận, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp để khuyến khích học sinh phát triển ý tưởng và dự án của mình”, em Bùi Thị Thùy bày tỏ.

Quyết định số 1665/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Mục tiêu đến 2025, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-mong-muon-tu-nguoi-hoc-post718722.html