Khởi sắc một vùng chè

Khởi sắc một vùng chèTừ khi áp dụng quy trình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh (ở xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, Định Hóa) đã làm khởi sắc một vùng chè...

Du khách trải nghiệm công việc sản xuất, chế biến chè tại HTX nông nghiệp Phú Thịnh.

Du khách trải nghiệm công việc sản xuất, chế biến chè tại HTX nông nghiệp Phú Thịnh.

Năm 2019, HTX nông nghiệp Phú Thịnh được thành lập, gồm 22 hộ thành viên, với tổng diện tích chè 10ha. Những ngày đầu nhiều thành viên băn khoăn, lo lắng, cho rằng bộ máy HTX cồng kềnh sẽ dẫn tới phá sản, nên chỉ một thời gian ngắn đã có 4 hộ rời HTX.

Để giúp HTX nông nghiệp Phú Thịnh hoạt động đúng quy định và ngày càng phát triển, Liên Minh HTX tỉnh đã vào cuộc, ngoài hỗ trợ kinh phí hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, còn tổ chức cho thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất chè theo quy trình VietGAP; tham quan một số mô hình sản xuất chè hiệu quả ở Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Đặc biệt, HTX nhận được sự trợ giúp từ mô hình Làng nông thôn mới Saemaul (Hàn Quốc) về xây dựng nhà xưởng chế biến, kho bảo quản sản phẩm và cải tạo cảnh quan các nương chè theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Đưa chúng tôi đi thăm nương chè, ông Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX, cho biết: HTX đã nhiều lần được Hội Nông dân tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thông qua các cuộc thi. Còn năm 2024 này HTX phấn đấu có sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Câu chuyện của vị Giám đốc HTX làm chè đưa chúng tôi về “miền kỷ niệm”. Chỉ ít năm trước, phần lớn nông dân vùng này sản xuất chè theo cách làm tự phát. Dù được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, song bà con không vận dụng bài bản, vẫn cách làm tùy hứng, giản đơn như việc chăm sóc, sử dụng phân bón không theo định lượng, hoặc khi thấy được giá thì chè chưa đến lứa cũng thu hái; khâu chế biến, bảo quản kém nên giá trị kinh tế từ cây chè đạt thấp.

Nhưng từ 5 năm gần đây, vùng chè Phú Ninh đã thay đổi. Vẫn những nương chè trên đồi đất cũ song đã mang một cảnh quan khác, đường lô chè được bê tông hóa, từng vạt chè được “tỉa tót” khiến khung cảnh một vùng chè trở nên thú vị, bắt mắt đối với du khách đến trải nghiệm.

Chè được thành viên HTX nông nghiệp Phú Thịnh chế biến ngay sau khi thu hái.

Chè được thành viên HTX nông nghiệp Phú Thịnh chế biến ngay sau khi thu hái.

Công việc chăm sóc, thu hái, chế biến chè đều được thành viên HTX thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên hiệu quả kinh tế mang lại đạt cao, khoảng 850 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trước đây hơn 600 triệu đồng. Hiện số thành viên tham gia HTX đã phát triển lên 26 hộ, với 13ha chè sản xuất, kinh doanh và hàng chục hộ liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến một khu đồi được chủ nhân “trang trí” đẹp như tranh vẽ, ông Đỗ Văn Tứ, chủ nhân đồi chè này, chia sẻ: Tôi tham gia HTX từ ngày đầu, với diện tích chè hơn 1ha. Nhờ Saemaul hỗ trợ thiết kế cảnh quan và làm đường bê tông, nên đồi chè của gia đình có du khách bảo giống đường viền trên lưng một cụ rùa, cũng có người bảo giống như mâm xôi. Họ livestream không muốn về.

Còn ông Phạm Văn Tiến cho biết: Từ khi tham gia HTX, gia đình tôi có kinh tế ổn định hơn. Từ 3 năm gần đây, 1 sào chè đạt 18kg chè búp khô/lứa, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg. Với 1ha chè, gia đình tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm…

Chiều muộn, trở lại khu nhà xưởng chế biến chè, chúng tôi được chứng kiến một khung cảnh tất bật của các hộ thành viên HTX. Ai nấy mồ hôi bết lưng áo, nhưng dường như quên mệt nhọc. Người cân chè búp vừa thu hái, người ghi chép sổ sách, người làm tơi chè tránh ôi ngốt. Các thành viên cho biết: Ngày nhiều thì 8 sàng hong héo chè, 7 máy vò, 6 máy xấy và gần chục người lao động của HTX làm việc đến 3 giờ sáng. Phải làm như thế chè mới bảo đảm chất lượng.

Hiện nay, HTX nông nghiệp Phú Thịnh đang tập trung cho 2 dòng sản phẩm: Chè móc câu và chè tôm nõn. Sản lượng bình quân đạt hơn 20 tấn chè búp khô/năm, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm… Một vùng chè đang từng ngày "thức dậy" từ chính bàn tay lao động của con người. Cách làm mới, có khoa học - kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đã làm thay đổi một vùng đất nghèo; thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện, nâng cao.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202406/khoi-sac-mot-vung-che-8c02671/