Khởi sắc những vùng biên

Thời gian gần đây, nhiều xã vùng cao biên giới đã có sự đổi thay, bản làng khởi sắc, phát triển, đời sống kinh tế đi lên, đường sá đi lại thuận lợi hơn, việc học hành của con em đồng bào được quan tâm đầu tư chu đáo… Hành trình thoát nghèo đó luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều cơ chế, chính sách. Cùng với đó, tình quân dân nơi biên cương ngày càng gắn bó, thắm đượm, góp phần bảo vệ 'phên dậu' quốc gia vững chắc.

Thay vì ở lán lều lợp bằng lá cây rừng trước kia, người dân bản Pa Bu (xã Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu) nay có những ngôi nhà đại đoàn kết lợp mái tôn, giao thông đi lại thuận lợi, có điện, có xe máy... - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thay vì ở lán lều lợp bằng lá cây rừng trước kia, người dân bản Pa Bu (xã Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu) nay có những ngôi nhà đại đoàn kết lợp mái tôn, giao thông đi lại thuận lợi, có điện, có xe máy... - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Kỳ 1: Pa Ủ nay đã khác

Nếu như Mường Tè vốn được biết đến là huyện xa xôi và hẻo lánh nhất của tỉnh Lai Châu, thì Pa Ủ lại là xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè. Cách trung tâm huyện lỵ khoảng 60 km, con đường độc đạo men theo sông Đà dẫn lối vào Pa Ủ. Toàn xã có 11 bản, với 894 hộ/3.753 khẩu, trong đó hớn 98% là người La Hủ - dân tộc nằm trong đề án bảo tồn cấp Nhà nước.

Cách đây nhiều năm, người La Hủ phải đối mặt với tình trạng suy thoái về dân số và lạc hậu nghiêm trọng do lối canh tác giản đơn, cuộc sống du canh, du cư trên các vùng rừng hoang vắng hoặc các vùng lõm trong thung lũng, ít có quan hệ với các cộng đồng tộc người chung quanh.

Mỗi gia đình người La Hủ thường lang thang trong rừng, dựng lều lợp bằng lá cây để sống tạm. Họ kiếm ăn từng ngày, phó mặc vào việc hái lượm hoa trái, đào củ, đánh bẫy, săn bắt thú rừng. Khi nguồn thức ăn cạn kiệt, lá lợp lán chuyển sang màu vàng thì họ lại dời đến khoảnh rừng khác. Vì đặc tính cư trú đó mà người La Hủ thường được gọi là tộc người "Lá vàng".

Kể từ năm 2009, khi Dự án "Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ" được bắt đầu triển khai, những ngôi nhà đại đoàn kết dần mọc lên trên các thung lũng ven dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.Hiện nay, người La Hủ không còn là người "Lá vàng". Những cuộc thiên di trên khắp miền biên viễn, những bước chân hoang hoải của người La Hủ mưu sinh nơi núi rừng đại ngàn đã chấm dứt, thay vào đó là cuộc sống định canh định cư, vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Nhiều bản ở xã Pa Ủ bây giờ đã có đường ôtô vào tận nơi, trường lớp, nhà cửa khang trang, có điện, có tivi, xe máy, ruộng, nương, bãi chăn thả gia súc được cải tạo làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... Những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho nơi "thâm sơn cùng cốc" này đang dần hiện thực hóa giúp đồng bào La Hủ có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ cho biết sau một thời gian được Đảng và Nhà nước đầu tư, bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền xã kêu gọi, bà con La Hủ dần xóa bỏ được tập tục du canh, du cư. Bà con về sống tập trung, ổn định đời sống, có nếp nhà, ổn định sản xuất, làm nương rẫy, thực hiện một số mô hình phát triển kinh tế…

Ông Thức nhớ thời điểm năm 2007 khi dựng những ngôi nhà đại đoàn kết cho bà con ở bản Hà Xi, đúng vào mùa mưa tháng 7, đi lại rất khó khăn.

"Lúc đó tôi còn làm ở Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của huyện, chúng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng Pa Ủ dựng nhà lập bản cho bà con về ở. Nguồn kinh phí của địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước dùng để mua mái tôn dựng nhà cho người dân. Có khi anh em biên phòng phải ‘cõng’ tôn, lội suối, băng rừng, đi bộ mất cả ngày rưỡi mới tới nơi", ông Thức kể.

Khi làm nhà lập bản xong, anh em biên phòng lại vào tận rừng sâu, lên từng quả đồi, khe núi vận động rồi đón bà con về ở. Về sống tập trung tại bản được 1-2 hôm, nhiều bà con không quen nếp sống, lại quay về rừng. Lúc đó, bộ đội biên phòng phải bố trí tổ công tác tại bản, sống cùng với bà con để vận động, tuyên truyền cũng như phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Nhờ vậy, nhiều bản người La Hủ đã thật sự thay đổi, người dân biết chăn nuôi, trồng trọt tại nơi định cư.

Người dân bản Pha Bu phơi bông chít (bông đót làm chổi). Nhờ sống tập trung nên sản phẩm mới đủ nhiều để thu bán cho các đại lý ngoài huyện - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Người dân bản Pha Bu phơi bông chít (bông đót làm chổi). Nhờ sống tập trung nên sản phẩm mới đủ nhiều để thu bán cho các đại lý ngoài huyện - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự mình đổi thay cuộc sống

Anh Pờ Lò Hừ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pha Bu cho hay cả nhà anh trước cũng sống trong rừng già, mãi đến năm 2014, sau nhiều lần bộ đội biên phòng vào tận nơi vận động, anh Hừ mới đưa cả nhà về trung tâm bản Pha Bu này. Khi ra khỏi rừng, thấy nhà trưởng bản sinh sống, làm ăn khấm khá thì các hộ dân khác cũng theo dần ra trung tâm dựng nhà ở.

Nhìn cơ ngơi của Pờ Lò Hừ với ngôi nhà hai tầng rộng rãi lợp tôn đỏ, thóc lúa xếp thành bao chồng lên nhau cao tới trần nhà, chúng tôi vui mừng cho hành trình đi tới ấm no của người dân nơi đây. Có nhà tôn thay mái lá rừng, có điện, có tivi, có xe máy, thậm chí cả ô tô... những điều ấy có lẽ không người dân La Hủ nào ở Pha Bu này có thể nghĩ đến.

Vốn là người nhanh nhẹn, tu chí làm ăn, cộng thêm sự hỗ trợ của chính quyền, bộ đội biên phòng, khi về bản Pha Bu, anh Pờ Lò Hừ cùng vợ bàn nhau đầu tư nuôi trâu, bò, trồng lúa, trồng sâm, sa nhân, tam thất, thảo quả, quế và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất.

Dần dần, đàn trâu bò của gia đình anh ngày càng nhân lên tới hơn 100 con; thóc lúa thu mỗi năm ước chừng 500 bao, mỗi bao 50 kg… Tổng thu nhập của gia đình anh dần tăng lên, trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm, đồng thời anh còn tạo được việc làm cho hàng chục người dân trong bản. Có của ăn của để, vợ chồng anh Hừ không tiêu xài hoang phí mà sẵn sàng giúp những nhà khó khăn hơn mình, đồng thời anh cũng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và vận động các gia đình khác làm theo mình.

Phấn khởi khoe với chúng tôi chiếc xe ô tô tải mới mua gần 600 triệu đồng, anh Hừ nói: "Nhà cửa thì mỗi nhà một gia đình rồi. Có lúc nhiều việc quá thì không tự mình làm hết được nên hướng dẫn bà con trong bản cùng làm, cái gì tốt thì làm cùng nhau, giống kiểu hợp tác xã, xong lại chia nhau, cùng làm cùng hưởng".

Đặc biệt, anh Pờ Lò Hừ còn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và là đảng viên người La Hủ đầu tiên của bản Pha Pu. Đến nay, Chi bộ bản Pha Bu có 6 đảng viên, trong đó 3 đảng viên là người của bản.

"Là đảng viên, tôi hiểu biết hơn và có ý thức phải định cư để ổn định và chăm chỉ lao động. Càng thêm vinh dự được là Bí thư Chi bộ, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm hướng dẫn cho bà con làm ăn, phát triển kinh tế, nếu không giúp được dân làm ăn thì đời sống sẽ mãi đói nghèo, không xóa được những hủ tục lạc hậu", anh Hừ chia sẻ.

Anh Pờ Lò Hừ bên chiếc xe ô tô tải mới mua. Nhờ chăm chỉ lao động, tu chí làm ăn, gia đình anh Hừ là hộ khá giả nhất bản Pha Bu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Anh Pờ Lò Hừ bên chiếc xe ô tô tải mới mua. Nhờ chăm chỉ lao động, tu chí làm ăn, gia đình anh Hừ là hộ khá giả nhất bản Pha Bu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo ông Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, trước đây, cuộc sống của người dân Pa Ủ gặp nhiều khó khăn, cái khó không chỉ đến từ điều kiện địa hình, giao thông đi lại mà còn từ chính người dân bản địa, vì bà con không cố gắng lao động, còn trông chờ vào những hỗ trợ của Nhà nước.

Từ thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã đã họp, đánh giá tình hình thực tế, đưa ra những giải pháp đó là làm cho dân hiểu, dân nghe, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự mình đổi thay cuộc sống. Nói là làm, cán bộ xã tăng cường xuống cơ sở, nhất là những bản xa, giáp biên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo đói rồi mới triển khai các giải pháp.

Cán bộ, đảng viên của xã kết hợp với bộ đội biên phòng không chỉ tuyên truyền mà còn ăn, ở, làm việc cùng bà con. Các anh khai hoang ruộng nước, lên nương, hướng dẫn bà con gieo trồng cây lúa, cây ngô, cách chăm sóc vật nuôi cho hiệu quả và bảo vệ, phát triển rừng…

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ trao đổi với anh Pờ Lò Hừ về đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân bản Pa Bu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ trao đổi với anh Pờ Lò Hừ về đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân bản Pa Bu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết, Đồn thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa cấp ủy đồn và Đảng ủy xã, giao ban hằng tháng để thông báo tình hình và phối hợp triển khai nội dung công tác. Đồng thời phân công 11 đảng viên của Đồn xuống tham gia sinh hoạt đảng tại 11 chi bộ thôn bản; phân công 20 đảng viên phụ trách 119 hộ gia đình trên địa bàn toàn xã.

Năm 2022, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân phát triển nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, Mu Chi với số lượng trên 40 con và từng bước chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò cho nhân dân; hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại, trồng cỏ, cách thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường để đàn bò phát triển (đã tổ chức bàn giao 12 con bò cho 12 hộ dân có điều kiện chăn thả, chăm sóc của bản Tân Biên); giúp đỡ 2 hộ dân bản Hà Xi triển khai mô hình trồng lúa nước 2 vụ/năm được 1 ha, ước tính sản lượng cho thu hoạch hơn 1 tấn/ha; hướng dẫn nhân dân triển khai mô hình trồng mận, sa nhân tím tại các bản trên địa bàn bảo đảm chất lượng...

Điểm trường Pha Bu, xã Pa Ủ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Điểm trường Pha Bu, xã Pa Ủ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Song song với đó, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các hạng mục cơ sở hạ tầng của xã cũng được khởi động xây dựng. Xã Pa Ủ nay đã thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tạm bợ, dột nát trước kia đang dần thay thế bằng ngôi nhà kiên cố hơn. Xã đã có đường giao thông ô tô, xe máy đi đến tận các bản đặc biệt khó khăn. Trẻ em người La Hủ đã có trường tiểu học, trung học cơ sở ở tại trung tâm xã và các điểm trường tiểu học, mầm non tại các bản đang từng bước hoàn thành. Nhưng thay đổi lớn nhất phải kể đến phần lớn người dân biết tạo dựng cơ nghiệp cho gia đình, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bà con dân bản tin cán bộ, chiến sĩ mà tự mình đổi thay. Năm vừa rồi, trên diện tích 358 ha ruộng nương, năng suất ngô, thóc đạt từ 30-48 tạ/ha, phục vụ nhu cầu lương thực của người dân, tăng thu nhập. Bà con còn tập trung trồng và phát triển rừng với diện tích hơn 22.327 ha, để hưởng lợi hơn 21 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt với tổng số gia súc, gia cầm đạt gần 1.100 con…

Đời sống bà con Pa Ủ từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng/người/năm... Đây là những minh chứng sinh động nhất cho thấy nơi đây đang dần đổi thay với cuộc sống đủ đầy hơn.

(Còn tiếp)

Hoàng Giang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khoi-sac-nhung-vung-bien-102230313112408918.htm