Không để dịch sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 22/8, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố với tổng số 21 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, huyện Lạc Thủy 5 ca; Tân Lạc, Lương Sơn mỗi huyện 4 ca; TP Hòa Bình 3 ca; huyện Cao Phong 2 ca; Lạc Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi mỗi huyện 1 ca. Hiện nay là thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh trên cả nước, bởi đây là giai đoạn cao điểm mùa mưa khiến độ ẩm không khí tăng cao, nhiều ao tù nước đọng giúp muỗi vằn sinh sôi, tác nhân gây bệnh SXH trực tiếp là virus Dengue.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 22/8, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố với tổng số 21 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, huyện Lạc Thủy 5 ca; Tân Lạc, Lương Sơn mỗi huyện 4 ca; TP Hòa Bình 3 ca; huyện Cao Phong 2 ca; Lạc Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi mỗi huyện 1 ca. Hiện nay là thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh trên cả nước, bởi đây là giai đoạn cao điểm mùa mưa khiến độ ẩm không khí tăng cao, nhiều ao tù nước đọng giúp muỗi vằn sinh sôi, tác nhân gây bệnh SXH trực tiếp là virus Dengue.

Cán bộ Trạm y tế thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Cán bộ Trạm y tế thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Là địa bàn có số ca bệnh SXH cao nhất tỉnh, huyện Lạc Thủy tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) SXH trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, chuyên trách chương trình PCD bệnh của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lạc Thủy cho biết: Mới đây, trên địa bàn thị trấn Ba Hàng Đồi có ca bệnh SXH là bà Nguyễn Thị H., sinh năm 1966, thường trú tại khu Đoàn Kết. Bà H. là cán bộ hưu trí, từ ngày 28/7 có triệu chứng gai sốt, đau họng, khàn tiếng, đau mỏi người, người bệnh mua test nhanh Covid-19 kết quả dương tính, người bệnh dùng thuốc và tự cách ly. Sau một thời gian điều trị, đến ngày 13/8, người bệnh sốt cao, húng hắng ho, đau họng, khàn tiếng, đau đầu nhiều, đau mỏi người, sẩn ngứa, nổi ban đỏ rải rác trên da toàn thân, đau bụng, ăn uống kém. Ở nhà uống thuốc không đỡ, ngày 14/8, gia đình đưa bệnh nhân đến TTYT huyện Lạc Thủy khám và điều trị. Xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên Dengue NS1 có kết quả dương tính, được cách ly theo dõi điều trị tại TTYT huyện.

Ngoài bà H., theo thống kê của TTYT huyện Lạc Thủy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 5 ca mắc SXH, trong đó có 3 ca nội sinh, 2 ca ngoại lai trên địa bàn xã Đồng Tâm, thị trấn Chi Nê và thị trấn Ba Hàng Đồi. Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh SXH, TTYT huyện đã triển khai giám sát véc tơ, xác định ổ dịch xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m, điều tra xác định chỉ số muỗi/bọ gậy. Cán bộ TTYT huyện phối hợp các trạm y tế triển khai hoạt động PCD SXH theo quy định...

Bác sỹ CKI Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC tỉnh) cho biết: Triệu chứng của bệnh SXH thường xuất hiện sốt cao từ 39 - 400C hoặc cao hơn, thường ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường, nhức mỏi cơ thể, đau nhức khớp, cơ và đau vùng trán, nhãn cầu dữ dội hơn. Kèm theo rối loạn tiêu hóa, có thể gây xuất huyết ở nhiều vị trí và cơ quan trên cơ thể, xuất hiện chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu... Tình trạng xuất huyết nặng, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan nội tạng có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhận định thời kỳ cao điểm của SXH trên địa bàn tỉnh từ tháng 4 - 11. Thời gian tới, dự báo nguy cơ gia tăng các ca bệnh SXH vì thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người hạn chế là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh do muỗi truyền phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, hiện công tác PCD SXH còn không ít khó khăn, tồn tại. Tại ổ dịch có địa hình rộng nhiều khu đất trống, nhiều bụi rậm, vườn rộng, nhiều ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Quá trình đô thị hóa tại nhiều địa phương với nhiều công trình xây dựng các khu tập thể, nghỉ dưỡng cũng là nguyên nhân phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý; di biến động dân cư thường xuyên, liên tục trong ngày nên khó quản lý.

Cùng với đó, ở một số địa bàn chưa có sự quan tâm thường xuyên của Ban chỉ đạo các địa phương, chưa bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát ổ dịch và phun hóa chất. Cán bộ y tế chuyên trách kiêm nhiệm nhiều công việc, nhiều chương trình, nhất là tại tuyến xã, phường và có sự thay đổi, vì vậy, việc nắm bắt công tác PCD còn nhiều bỡ ngỡ. Trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCD (vợt bắt muỗi, tuýp, pipet; lọ đựng bọ gậy) rất ít, không đủ bộ dụng cụ, cán bộ phải tự khắc phục; phần lớn máy phun hóa chất đã hỏng sau khi PCD Covid-19. Hóa chất diệt côn trùng thiếu gây khó khăn trong công tác xử lý các ổ dịch SXH. Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa cao trong việc PCD SXH, như khi mắc bệnh không khai báo với trạm y tế mà tự điều trị tại nhà. Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều hộ vẫn để rác phế thải, dụng cụ chứa nước, chậu cảnh trong sân vườn có chứa ổ bọ gậy. Chưa phát hiện hết được các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan...

Trước tình hình dịch bệnh SXH Dengue trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn vật tư, hóa chất phục vụ công tác PCD SXH. CDC tỉnh đã ban hành Văn bản số 521/KSBT-PCBTN, ngày 17/7/2024 gửi TTYT các huyện, thành phố về việc chủ động hóa chất, vật tư trong công tác PCD SXH Dengue. Theo đó, CDC tỉnh đề nghị TTYT các huyện, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động PCD SXH Dengue. Tham mưu Ban chỉ đạo PCD bệnh huyện, thành phố đảm bảo vật tư, hóa chất phục vụ công tác PCD SXH Dengue trên địa bàn. Đồng thời, CDC tỉnh cử cán bộ giám sát hỗ trợ thực hiện điều tra ca bệnh tại các TTYT huyện, thành phố.

Bác sỹ CKI Bùi Văn Phón cho biết thêm: Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người, ngành Y tế khuyến cáo: Người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất PCD. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/192541/khong-de-dich-sot-xuat-huyet-lay-lan-tr111ng-cong-dong.htm