Không để xảy ra tình trạng chậm điều chỉnh quyết toán theo kết luận, kiến nghị của kiểm toán

Kiểm toán nhà nước (KTNN) thông tin, năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán của 59/63 địa phương. Qua rà soát cho thấy, 2 HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) không đúng thời hạn quy định.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng chậm điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: VPQH

Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: VPQH

12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán gần 1,5 nghìn tỷ đồng theo kiến nghị kiểm toán

Báo cáo Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 của Chính phủ cho thấy Bộ Tài chính chậm gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 so với quy định của Luật NSNN. Một số biểu được lập kèm theo còn chưa phản ánh chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Đáng chú ý, Tổng Kiểm toán Nhà nước thông tin, năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán của 59/63 địa phương. Qua rà soát cho thấy, 02 HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) không đúng thời hạn quy định.

“Có 23/59 địa phương được kiểm toán, được HĐND phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSĐP nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP. Trong đó, có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả ngân sách trung ương (NSTW) số tiền 1.488,036 tỷ đồng” - Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.

Ngoài ra, kiến nghị của KTNN điều chỉnh Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa được Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022.

KTNN cũng chỉ ra tình trạng, một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán không đúng thời gian theo quy định; 06 Bộ, cơ quan trung ương đến thời điểm kết thúc kiểm toán (08/3/2024) Bộ Tài chính chưa có thông báo thẩm định số liệu quyết toán năm 2022. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành thông báo thẩm định quyết toán nguồn viện trợ năm 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong đó không đồng ý việc chuyển nguồn 8,011 tỷ đồng tại 02 Bộ chưa phù hợp quy định Nghị định 163/2016/NĐ-CP…

Căn cứ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ xem xét số liệu quyết toán NSNN năm 2022 đối với các trường hợp KTNN đã kiến nghị điều chỉnh quyết toán liên quan đến NSTW tại các Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, quyết toán NSĐP đảm bảo thực hiện theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 91/2023/QH15. Đối với các trường hợp Chính phủ không điều chỉnh được số liệu quyết toán NSNN năm 2022 theo Nghị quyết số 91/2023/QH15, KTNN đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép xử lý, quyết toán vào niên độ NSNN năm 2023.

Cần điều chỉnh sớm, ngay khi có kết luận kiểm toán

Báo cáo Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, KTNN đề nghị điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả NSTW của 16 địa phương số tiền 2.032,784 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 70 Luật NSNN, Chính phủ đã điều chỉnh số liệu quyết toán NSNN năm 2022 theo kiến nghị của KTNN của 04 địa phương (Sơn La, Gia Lai, Phú Yên và Sóc Trăng) đã có Nghị quyết của HĐND phê chuẩn điều chỉnh quyết toán NSNN năm 2022.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh VPQH

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh VPQH

“Đối với 12 địa phương còn lại, đến nay chưa có Nghị quyết HĐND tỉnh phê chuẩn điều chỉnh quyết toán NSNN năm 2022, Chính phủ báo cáo Quốc hội sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật NSNN” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo.

Chính phủ cũng trình Quốc hội thực hiện điều chỉnh số liệu quyết toán ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội theo kiến nghị của KTNN theo quy định tại Điều 73 Luật NSNN và Khoản 3, Điều 27 Luật Kế toán.

Điều 73 Luật NSNN quy định: Sau khi quyết toán ngân sách nhà nước và ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, trường hợp phát hiện thu, chi ngân sách không đúng quy định thì thực hiện xử lý theo quy định tại khoản 8 Điều 65 của Luật này và được quyết toán vào ngân sách năm xử lý. Khoản 3 Điều 27 Luật Kế toán quy định: Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đến nay, không còn thời gian để điều chỉnh các số liệu quyết toán của 12 địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ và KTNN báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép quyết toán NSNN năm 2022 số chi chưa điều chỉnh theo kết luận, kiến nghị của KTNN.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung này và có giải pháp khắc phục không để xảy ra tình trạng chậm điều chỉnh quyết toán chi NSNN theo kết luận, kiến nghị của KTNN. Khẩn trương xử lý, điều chỉnh số liệu theo kết luận, kiến nghị của KTNN để phản ánh trong quyết toán NSNN năm 2023. Tổ chức xử lý điều chỉnh quyết toán NSNN của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý điều chỉnh quyết toán NSNN khi trình quyết toán NSNN năm 2023” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề này tại Phiên thảo luận ở tổ chiều 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - cho rằng, công tác quyết toán NSNN năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian thực hiện quyết toán NSNN quá chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, thẩm định, phê chuẩn quyết toán ngày càng chậm (năm 2023 là 17 Bộ, ngành, gửi chậm thì năm nay là 45 Bộ, ngành, cơ quan trung ương gửi chậm). Đây là vấn đề cần xem xét, làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến các nội dung chưa điều chỉnh quyết toán theo kiến nghị kiểm toán, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị, bắt buộc phải đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, nêu rõ danh sách các Bộ, ngành, địa phương được yêu cầu điều chỉnh. “Đề nghị Chính phủ chấn chỉnh vấn đề này để làm sao các Bộ, ngành, địa phương ngay sau khi có kết luận kiểm toán thì phải làm sớm, tránh trường hợp kéo dài thời gian, quyết toán quá chậm” - đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phát biểu thảo luận tại Tổ về quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: N.HỒNG

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phát biểu thảo luận tại Tổ về quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: N.HỒNG

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu), việc xử lý các khoản phải điều chỉnh quyết toán theo kiến nghị kiểm toán là vấn đề lần đầu tiên đặt ra cho Quốc hội, đồng thời các địa phương cũng cần phải quan tâm.

Theo đó, năm 2023, khi quyết toán NSNN năm 2021, Quốc hội đặt ra yêu cầu, đối với các khoản mà theo kết luận của KTNN phải thu hồi hoặc là chuyển nguồn không đúng, phải thu hồi lại thì HĐND tỉnh phải chỉ đạo tổ chức thực hiện trước khi quyết toán. Tuy nhiên, do năm đầu thực hiện nên kết luận kiểm toán có thể chuyển đến muộn hoặc do các địa phương chưa nắm bắt kịp thời yêu cầu mới của Quốc hội nên 12 địa phương vẫn trình HĐND phê chuẩn quyết toán NSĐP khi chưa thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

“Kiến nghị Quốc hội cho phép quyết toán nhưng kèm theo danh mục các địa phương chậm thực hiện. Trên cơ sở đó, trong năm 2024, các địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện việc điều chỉnh theo kết luận kiểm toán; vì theo Luật KTNN, kết luận kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện” - đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

Minh Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-xay-ra-tinh-trang-cham-dieu-chinh-quyet-toan-theo-ket-luan-kien-nghi-cua-kiem-toan-10282352.html