Không nên chỉ đo lường năng lực, giá trị của trẻ qua điểm số, thành tích

Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, việc phụ huynh quá vui sướng với điểm số ở trường của con cho thấy, bản thân họ vẫn không thoát ra khỏi được 'chủ nghĩa thành tích' và coi giáo dục là khoa cử thuần túy...

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, không ít bậc phụ huynh vẫn không thoát ra khỏi được “chủ nghĩa thành tích” và coi giáo dục như là khoa cử thuần túy. (Nguồn: NVCC)

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, không ít bậc phụ huynh vẫn không thoát ra khỏi được “chủ nghĩa thành tích” và coi giáo dục như là khoa cử thuần túy. (Nguồn: NVCC)

Cứ mỗi khi kết thúc năm học, không ít phụ huynh rầm rộ đăng bảng điểm, giấy khen của con lên mạng xã hội. Theo ông, hiện tượng này có những hệ lụy nào?

Theo tôi, có hai hệ lụy từ việc này. Một là, làm chạnh lòng các bậc phụ huynh có con với thành tích học tập chưa tốt. Có người cảm thấy áp lực và trút áp lực đó lên con mình khi so sánh với “con hàng xóm”, "con nhà người ta".

Hai là, việc phụ huynh quá vui sướng với điểm số ở trường như vậy cho thấy, bản thân họ vẫn không thoát ra khỏi được “chủ nghĩa thành tích” và coi giáo dục như là khoa cử thuần túy. Đây là "mảnh đất tốt" cho các bệnh như háo danh, háo bằng sinh sôi, phát triển.

Góc nhìn của ông về những áp lực thi cử, áp lực thành tích hiện nay? Những kỳ thi dường như ngày càng căng thẳng?

Cho dù khắp nơi hô hào đổi mới với cải cách thì thực sự trẻ em hiện tại đang học hành rất căng thẳng. Trong giáo dục, việc đòi hỏi người học luôn nỗ lực là cần thiết nhưng khác với việc phải gánh chịu căng thẳng. Mà ở đây, căng thẳng lại chủ yếu đến từ thi cử chứ không phải là yêu cầu nỗ lực trong khám phá, tìm tòi, biểu đạt.

Những chuyện như phải thi vào lớp 1, rồi vô vàn các cuộc thi trên mạng, mới học đã ôn đề cương… dần trở thành phổ biến. Trường học không tạo ra một không gian đa dạng mà bó hẹp vào ôn luyện để thi khiến đời sống tinh thần và trải nghiệm của học sinh trở nên nghèo nàn.

Việc đo lường giá trị của một đứa trẻ qua điểm số, những tấm giấy khen liệu có kích hoạt sự khủng hoảng, tiêu cực ở trẻ?

Con người là một thực thể-sinh vật phức tạp. Không dễ để đánh giá năng lực của cá nhân nếu chỉ dựa vào điểm số của các môn học ở trường, ngay cả khi đánh giá công tâm, khách quan. Trong khi, người ta vẫn nói, không nên đánh giá tài leo cây của một con cá. Chúng ta đều có thế mạnh, điểm yếu và khả năng trong một lĩnh vực nào đó. Điểm số, giấy khen chưa thể định nghĩa được giá trị cốt lõi của một người.

"Chuyện phải thi vào lớp 1, rồi vô vàn các cuộc thi trên mạng, mới học đã ôn đề cương… dần trở thành phổ biến. Trường học không tạo ra một không gian đa dạng mà bó hẹp vào ôn luyện để thi, khiến đời sống tinh thần và trải nghiệm của học sinh trở nên nghèo nàn".

Theo tôi, đánh giá nên là một quá trình thay vì chỉ là một vài bài thi và cần quan tâm hơn đến việc quan sát toàn diện, nhắm đến sự tự hoàn thiện và phát triển của học sinh chứ không phải đánh giá để lấy thi đua hay phân loại học sinh như nhiều nơi đang làm.

Khi tuyệt đối hóa đánh giá để phân loại, xếp hạng… nhà trường, giáo viên, phụ huynh sẽ đẩy trẻ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trong cuộc cạnh tranh đó, đội thắng sẽ thấy mình ưu việt và trở nên chủ quan, phù phiếm, còn đội thua sẽ trở nên tự ti và mặc cảm. Tất nhiên, cả hai đều thể hiện sự thất bại của giáo dục vốn phải hướng vào sự tự hoàn thiện và coi trọng hợp tác.

Đừng đẩy trẻ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt mang tên thành tích. (Nguồn: VOV)

Đừng đẩy trẻ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt mang tên thành tích. (Nguồn: VOV)

Thực tế hiện nay, nhiều trẻ đang học để thi, học để lấy thành tích, học theo nguyện vọng của cha mẹ và theo đánh giá của xã hội. Vậy theo ông, giải pháp nào để giảm gánh nặng thành tích đối với trẻ?

Nếu động lực học tập nằm ở bên ngoài như sức ép, kỳ vọng của cha mẹ, lương, thưởng trong tương lai (như hứa hẹn) thì khi sức ép giảm hoặc không còn, học sinh, thanh niên sẽ không học nữa hoặc chỉ học cho có, học để đối phó.

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày...

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.

Động lực học tập lành mạnh phải nằm ở bên trong đó là tìm kiếm sự vui vẻ, hạnh phúc khi khám phá cái mới, cái mình chưa biết, hoàn thiện được bản thân. Nghe thì trừu tượng nhưng bản chất của việc học là như vậy.

Rất tiếc ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thay vì nuôi dưỡng điều này, do kỳ vọng và nỗi bất an của người lớn, trẻ bị ép học phi lý với áp lực lớn.

Không khó để nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ ngồi ăn bánh mỳ ngay trên xe người mẹ để kịp ca học thêm tối, hoặc những đứa trẻ ngủ gật trên xe...

Kết quả là, trẻ học chỉ vì áp lực mà không vì niềm vui. Vậy nên, đỗ đại học là hết học, hết thi hết học, lấy xong bằng hết học. Khi học như vậy rất khó để chúng ta có thể có được thành tựu đỉnh cao dù có tố chất để làm điều đó.

Trách nhiệm của gia đình đến đâu trong chuyện này để góp phần bảo đảm quyền trẻ em, thưa ông?

Có thể nói, thành tích của con rất đáng trân trọng nhưng nên tiếp nhận nó với thái độ điềm tĩnh. Giáo dục là chuyện lâu dài và các con số không thể hiện được hết khả năng cũng như đánh giá chính xác năng lực. Con người luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ liên quan đến sự tập trung, động lực, cảm hứng, sự nỗ lực và giác ngộ.

Quan trọng là hướng con vào tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, biết chia sẻ và hợp tác cùng mọi người xung quanh như các bạn học cùng, chơi cùng... Làm sao để con có thể không tập không ngừng không phải để đáp ứng các kỳ thi, không màng điểm số. Đó cũng là một trong những điều chúng ta có thể làm để bảo đảm và thúc đẩy quyền trẻ em.

Xin cảm ơn ông!

Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Trước chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Trong đó, có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học thật hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.
Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần thì không được học. Thực học đồng nghĩa với việc nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Khi đó, danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng thực lực của người học.

Kim Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-nen-chi-do-luong-nang-luc-gia-tri-cua-tre-qua-diem-so-thanh-tich-228968.html