Khuyến khích xã hội hóa SGK, nhưng phải lấy chất lượng hàng đầu

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1. Trong đó cần chú ý đến các khâu như làm bản mẫu, thẩm định và phát hành. Các khâu cần được cải tiến và đổi mới...

Thông tin tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng SGK giáo dục phổ thông diễn ra hôm nay (29/9), Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK gửi Bộ GD-ĐT thẩm định bảo đảm kịp thời triển khai Chương trình GDPT 2018 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88 và lộ trình thực hiện tại Nghị quyết số 51. Kết quả phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông; SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn đến thời điểm hiện tại đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.

Học sinh tham gia triển lãm SGK các thời kỳ trong khuôn khổ chương trình.

Học sinh tham gia triển lãm SGK các thời kỳ trong khuôn khổ chương trình.

Chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK. Cụ thể có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp

Đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở GDPT tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình GDPT 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn SGK và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết SGK theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.

Phát biểu tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, công tác biên soạn, phát hành SGK rất quan trọng. Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, có nhấn mạnh đến đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là bài toán vừa mới vừa khó, chưa có tiền lệ khi thực hiện 1 chương trình nhiều SGK. Song cần thống nhất nhận thức SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến tay học sinh phải đảm bảo chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.

“Khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1. Trong đó cần chú ý đến các khâu như làm bản mẫu, thẩm định và phát hành. Các khâu cần được cải tiến và đổi mới. Cùng với đó cần chú trọng công tác tập huấn,, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK khi giảng dạy, biến bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Về vấn đề giá SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các đơn bị xuất bản, phát hành SGK cần lưu ý đến các khâu nhu yếu tố cấu thành giá sách và ban hành định mức kỹ thuật của sách./.

N.T/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khuyen-khich-xa-hoi-hoa-sgk-nhung-phai-lay-chat-luong-hang-dau-post974035.vov