Kích cầu đầu tư nhờ chính sách tín dụng linh hoạt

Có thể tăng trưởng tín dụng giảm vì hạ lãi suất tiền gửi, song bù lại việc hạ lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn được đưa vào sản xuất - kinh doanh sẽ tạo ra công ăn việc làm, lợi nhuận, phát triển kinh tế… rồi vốn lại trở về ngân hàng để quay vòng theo chu kỳ kinh tế như quy luật kinh tế.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14 - 15%. Điều đáng nói, theo những lần công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03%; 3,27% và 4,73%. Như vậy có thể thấy, tín dụng thậm chí đã tăng trưởng âm trong tháng 7 vừa qua.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 8/2023 cho hay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 4,7% trong năm 2023, sau đó được dự báo phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025. Nhu cầu trong nước chững lại nhưng dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân vẫn được kỳ vọng duy trì, với tốc độ tăng 6,0% so với cùng kỳ, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Tổng đầu tư đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Trong đó, đầu tư tư nhân được dự báo vẫn chưa khởi sắc với tốc độ tăng 4,3% so với 8,2% năm 2019 do những rủi ro bên ngoài, và theo đó đóng góp 1,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Đầu tư công dự kiến tăng 9,5% so với cùng kỳ, đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP, nhưng chỉ bù đắp được phần nào cho đầu tư tư nhân bị suy giảm.

Theo dự báo của WB, do thanh khoản được cải thiện và Ngân hàng Nhà nước tái ban hành hướng dẫn về tái cơ cấu thời hạn trả nợ, những hạn chế về huy động tài chính trong lĩnh vực bất động sản/xây dựng dự kiến sẽ được nới ra và đầu tư sẽ dần phục hồi từ năm 2024 trở đi. Hướng tới năm 2024, tăng trưởng kinh tế được WB dự báo sẽ dựa vào sự phục hồi của xuất nhập khẩu, với dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại, và đầu tư tư nhân được cải thiện.

Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên 3,5% trong năm 2023. Tác động giảm phát do tăng trưởng chững lại và do giảm thuế giá trị gia tăng được triển khai trong nửa cuối năm 2023 được đánh giá là có thể bù đắp cho tác động của tăng lương công chức lên chỉ số giá.

Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ tháng 7/2023 dự kiến chỉ có tác động tạm thời và không đáng kể trong năm nay. Trong thời gian tới, với dự báo giá cả thương phẩm sẽ giảm trong năm 2023, giá cả năng lượng và thương phẩm cơ bản ổn định trong năm 2024, lạm phát CPI được kỳ vọng giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025, bằng mức trước đại dịch. WB cũng nhận định, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2023 dự kiến ở mức 0,7% GDP.

Trao đổi với báo chí tại lễ công bố báo cáo điểm lại tháng 8/2023 của WB, bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, rủi ro gia tăng trong nước và trên thế giới. Nền kinh tế gặp khó khăn do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động.

Trước tình hình nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn chưa cải thiện, bà Dorsati Madani cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ đến nay còn rất ít. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều lần, nhiều bước khác nhau để cắt giảm lãi suất chính sách; đồng thời thực hiện tái cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất cho một số nhóm đối tượng nhất định. Những động thái trên đã góp phần giảm lãi suất đáng kể, khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới, rẻ hơn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng khoảng cách về lãi suất của tiền đồng Việt Nam với lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế lớn. Đây là hạn chế tạo rủi ro cho nền kinh tế, khả năng luồng vốn bị đảo chiều, tỷ giá bị ảnh hưởng, lạm phát có thể quay trở lại.

Từ đầu năm, với 4 lần giảm lãi suất, chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, nhưng từ bây giờ, tiếp tục việc giảm lãi suất có lẽ không mang lại hiệu quả nhiều cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn vì hiệu ứng dẫn truyền chính sách tiền tệ yếu, không phát ra được tín hiệu cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng tháng 6 giảm xuống còn 7,8% so với cùng kỳ (tháng 6 năm 2022), thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Xu hướng này phản ánh lực cầu tín dụng và hoạt động đầu tư đang yếu đi, các doanh nghiệp thu hẹp hoặc giảm quy mô sản xuất kinh doanh do xuất khẩu giảm tốc. “Do vậy, chúng tôi cho rằng, chính sách tiền tệ không thể phát huy hiệu quả trong thời gian tới”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.

Trong bối cảnh trên, chính sách tài khóa chủ động được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng có thể xem là giải pháp phù hợp. Theo bà Dorsati Madani, với những rủi ro, những yếu tố tác động đến cầu của nền kinh tế đã được nhìn nhận đòi hỏi Chính phủ thông qua chính sách tài khóa có sự can thiệp nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế khi cầu vẫn còn yếu. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ một cách tối đa trong tất cả khả năng như thông qua các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… góp phần duy trì tiêu dùng trong nước, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

“Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực đúng đắn trong định hướng điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng cường đầu tư công. Nhìn vào con số ước về vị thế tài khóa của ngân sách trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, có thể thấy, năm 2022 ngân sách thặng dư ước khoảng 5,2% GDP, trong khi năm nay, con số này ước khoảng 1,5% GDP. Tuy chỉ là ước tính nhưng khoản chênh lệch 3,7% trên thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ với nền kinh tế”, chuyên gia WB nói.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kich-cau-dau-tu-nho-chinh-sach-tin-dung-linh-hoat-159729.html