Kiếm 20 triệu/tháng vẫn là mơ ước của nhiều người
Thu nhập 20 triệu/tháng không phải là con số quá cao, song không phải ai cũng dễ dàng đạt được.
Với nhiều người trẻ mới ra trường, thu nhập 20 triệu đồng/tháng từng là cột mốc đáng mơ ước – một mức lương thể hiện sự ổn định và thành công bước đầu sau vài năm đi làm. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hành trình chạm đến con số đó không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt.
“Kiếm được đã khó, giữ được còn khó hơn”
Hưng (25 tuổi, nhân viên hành chính tại Bình Dương) là cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh. Sau khi ra trường, anh bắt đầu làm việc tại một công ty logistics với mức lương khởi điểm chỉ 7 triệu đồng/tháng. Trải qua ba năm làm việc và chuyển việc hai lần, hiện tổng thu nhập của anh – bao gồm lương cứng, phụ cấp và tăng ca – là khoảng 11 triệu đồng/tháng.
“Mình từng nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ và làm đúng ngành là sau vài năm sẽ đạt được mức lương 20 triệu. Nhưng khi đi làm rồi mới hiểu, ngoài nỗ lực cá nhân còn cần rất nhiều yếu tố như kỹ năng mềm, mối quan hệ, thậm chí là lựa chọn ngành nghề đúng thời điểm”, Hưng chia sẻ.

Hưng từng nghĩ chỉ cần đi làm vài năm là kiếm được công việc có thu nhập 20 triệu/tháng. Ảnh minh họa
Ở các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, mức lương phổ biến với nhân viên văn phòng dao động từ 10 đến 12 triệu đồng. Những người có thu nhập vượt mốc 20 triệu thường là quản lý, hoặc làm các ngành như công nghệ thông tin, tài chính, hay có thêm công việc tay trái.
“Trong nhóm bạn mình, chỉ có 2-3 người kiếm được hơn 20 triệu. Còn lại đa phần chỉ nhận mức dưới 15 triệu. Nếu sống tiết kiệm thì đủ xoay xở, nhưng để dành tiền hay giúp đỡ gia đình thì thực sự khó”, Hưng nói.
Trà Giang (24 tuổi) từng là nhân viên thiết kế tại một công ty thời trang với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian cảm thấy thiếu cảm hứng và gò bó, cô quyết định nghỉ việc để làm freelancer, nhận các dự án thiết kế từ khách hàng trên các nền tảng quốc tế.
“Có tháng mình kiếm được 22-25 triệu, nhưng cũng có tháng chỉ được 12 triệu, thậm chí thấp hơn nếu thiếu dự án. Kiếm được 20 triệu không phải điều không thể, nhưng khó nhất là duy trì đều đặn mức đó mỗi tháng”, Giang chia sẻ.
Làm tự do giúp Giang chủ động về thời gian và không gian làm việc, nhưng đi kèm là sự bấp bênh về tài chính. Cô từng nhiều lần phải thức trắng đêm để hoàn thành dự án, có lúc lại phải chờ cả tháng mới được thanh toán.
“Chưa có tháng nào mình thấy thật sự yên tâm. Lúc định mua laptop mới, mình lại phải dừng vì sợ tháng sau không có khách”, cô kể.
Khác với Hưng và Giang, Toàn (29 tuổi) đã đạt mốc thu nhập hơn 20 triệu đồng từ hai năm trước. Tuy nhiên, anh thừa nhận để đạt được con số này, anh phải đánh đổi rất nhiều thời gian, sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống.
Là giám sát công trình, Toàn thường xuyên đi công tác xa, làm việc ngoài trời và trực đêm. Trung bình mỗi tháng, anh làm việc hơn 250 giờ - nhiều hơn nhiều so với tiêu chuẩn 8 tiếng/ngày.
“Nhờ vậy mình được hơn 23 triệu/tháng, nhưng nếu làm đúng giờ hành chính thì thu nhập chắc chỉ khoảng 13-15 triệu”, Toàn chia sẻ.
Anh cho biết bạn bè thường ngưỡng mộ vì anh có thể tiết kiệm và gửi tiền về quê. Tuy nhiên, ít người biết rằng công việc đã lấy đi hầu hết thời gian cá nhân và khiến anh không thể duy trì mối quan hệ xã hội nào.
“Có tháng mình ở công trình vùng sâu không có sóng điện thoại, nửa tháng không trò chuyện với ai ngoài đồng nghiệp. Những lúc đó chỉ ước có một công việc ổn định, gần nhà, dù thu nhập ít hơn cũng được”, Toàn nói.

Toàn phải đánh đổi rất nhiều để có được mức lương 20 triệu/tháng
Khi áp lực không đến từ tiền bạc
Không chỉ là chuyện tiền bạc, việc chưa đạt được mức lương như kỳ vọng còn tạo ra áp lực tâm lý, nhất là khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh “thành công sớm”.
Hưng thừa nhận có giai đoạn anh ngại chia sẻ cuộc sống cá nhân lên mạng vì sợ bị so sánh: “Thấy bạn bè khoe nhà, xe, du lịch, ăn uống sang chảnh… mình cảm thấy mình như thua kém. Sau này, mình học cách dừng so sánh. Ai cũng có con đường riêng”.
Anh bắt đầu học thêm kỹ năng Excel, tiếng Anh, lập kế hoạch tài chính rõ ràng để hướng tới các vị trí tốt hơn. “Mỗi năm tăng được vài triệu đã là thành tựu. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là đầu tư vào bản thân”, Hưng chia sẻ.
Còn với Toàn, anh đang học thiết kế để hy vọng có thể chuyển sang công việc văn phòng, chấp nhận mức lương thấp hơn nhưng có thêm thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
“Sau vài năm làm công trình, mình nhận ra tiền nhiều cũng không mua lại được thời gian cho gia đình, cho bản thân. Có lúc thấy mình đi quá nhanh mà không biết mình cần gì”, anh tâm sự.
Về phía Giang, cô cho biết sau một thời gian theo đuổi tài chính, cô chuyển hướng sang cuộc sống tối giản. “Mình chọn chi tiêu ít, sống đơn giản, nhưng có thời gian làm điều mình thích. Mình học cách đầu tư nhỏ, gửi tiết kiệm, mua vàng giữ tiền và học thêm kỹ năng online”.
Giấc mơ thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng vẫn là mục tiêu của rất nhiều người trẻ. Nhưng câu chuyện của Hưng, Giang hay Toàn cho thấy: con đường đến đó không giống nhau, và mỗi người cần xác định rõ điều gì mới là quan trọng nhất với bản thân.
“Không nhất thiết phải kiếm thật nhiều tiền mới sống được. Quan trọng là bạn sống sao cho không nợ nần, có niềm vui và kiểm soát được cuộc sống của chính mình”, Giang nói.