Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, cần siết chặt trong công tác quản lý để ngăn chặn tình trạng này trên môi trường số.

Phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử

Thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số và trở thành kênh mua sắm phổ biến với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Theo khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Với thị trường hơn 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Mặc dù vậy, bên cạnh những tiện ích, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên sàn thương mại điện tử vẫn diễn biến phức tạp và đáng báo động. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể tìm thấy vô số sản phẩm với mức giá rẻ giật mình trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể tìm thấy vô số sản phẩm với mức giá rẻ giật mình trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18- 25%/năm.

Với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể tìm thấy vô số sản phẩm “thời thượng” với mức giá rẻ giật mình trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop. Tuy nhiên, không ít trong số đó là hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch, trong đó chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Từ khi triển khai đề án đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.

Nguyên nhân do ý thức của người dân trong thương mại điện tử còn hạn chế, nhu cầu giao dịch cao, tăng trưởng thương mại điện tử lớn, nên bản thân một số người dân, doanh nghiệp chưa chủ động tránh được hàng giả này.

Bên cạnh đó, vấn đề giám sát, truy xuất giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc hàng hóa kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử còn nhiều khó khăn. Việc này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Một số cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích nên bất chấp sức khỏe của người dân đã sản xuất kinh doanh hàng giả...

Tăng cường phối hợp giữa các bên, sớm phát hiện vi phạm

Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia, để thị trường thương mại điện tử phát triển đúng hướng và lành mạnh, các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát hành hóa có dấu hiệu vi phạm; tăng cường phát hiện dấu vết để truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, nhất là các đối tượng bán online, livestream qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…

Thương mại điện tử đã trở nên phổ biến hiện nay. Ảnh: T.L

Thương mại điện tử đã trở nên phổ biến hiện nay. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho hay, để ngăn chặn tình trạng phòng chống gian lận thương mại và buôn bán hàng giả trên môi trường số, cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ chuyển đổi số cho công tác quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan chức năng để phối hợp thực thi để phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.

Nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử theo các quy định; đặc biệt các chủ sàn cùng với cơ quan chức năng để xử lý, phối hợp xử lý các đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, giải pháp then chốt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cả người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo cho hoạt động thương mại điện tử phát triển bền vững lành mạnh.

Theo các doanh nghiệp, nhằm mang lại hiệu quả trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, cần tăng cường hợp pháp giữa các đại diện thương hiệu, cơ quan thực thi và nền tảng thương mại điện tử để phát hiện và xử lý hàng giả nhanh chóng;

Xem xét các thông tin hoạt động bán hàng trực tuyến là một trong những chứng cứ để kiểm tra đối tượng vi phạm; xây dựng kênh tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm dựa trên phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm kém chất lượng; thực hiện các chiến lược truyền thông giúp người tiêu dùng, người bán hàng nhỏ lẻ nhận thức được về hàng giả.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển

Bộ Công thương đang xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời, rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại; sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa…

Bên cạnh việc triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng Đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2025.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-chat-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-bao-ve-nguoi-tieu-dung-176614.html