Kiểm soát chặt kinh doanh dược qua thương mại điện tử

Thảo luận tại hội trường chiều 26/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn đối với kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Tránh rủi ro trong mua bán thuốc trên môi trường điện tử

Quan tâm đến hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức này. Theo đó, chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra.

Theo Đại biểu, trong dự thảo, chuỗi nhà thuốc do doanh nghiệp là chủ thể tổ chức thực hiện, trong khi trên thực tế, chuỗi nhà thuốc có thể có nhiều chủ thể, có thể bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã. Do đó, Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này để không làm giới hạn quyền kinh doanh của các chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện như luật định.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh dược, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử. Đại biểu cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, do đó, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời, phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với việc cần bổ sung việc kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử vào dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các hoạt động giao dịch, kinh doanh dược trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo việc thực hiện trong thực tiễn hiệu quả và khả thi hơn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, cơ quan soạn thảo cần có quy định chi tiết về việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân được mua thuốc dễ dàng, an toàn, bảo đảm có kê đơn của bác sĩ và được tư vấn đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi các phản ứng có hại của thuốc.

Quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo thuốc

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu thực trạng hiện nay đang bùng nổ việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, “thổi phồng” tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng… làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược.

Cùng quan tâm đến quảng cáo thuốc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về quy định thông tin và quảng cáo thuốc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính.

Theo Đại biểu, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội. Do đó, đại biểu lo ngại nếu thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ tiền kiểm như hiện nay. Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kiem-soat-chat-kinh-doanh-duoc-qua-thuong-mai-dien-tu.html