Kiểm soát thức ăn đường phố ở khu vực nông thôn

Với thói quen tiêu dùng của người dân, nhiều loại thực phẩm được bày bán trên hè đường, các chợ ở vùng nông thôn thường được người dân lựa chọn, sử dụng vì sự tiện lợi.

Song việc kiểm soát nguồn gốc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đường phố ở khu vực nông thôn còn gặp không ít khó khăn...

Khu vực bán đồ ăn chín xen lẫn hàng rau, củ chưa bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Ảnh: Mai Na

Khu vực bán đồ ăn chín xen lẫn hàng rau, củ chưa bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Ảnh: Mai Na

Tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm

Trong cuộc sống hiện đại, do sự tiện lợi, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm chín được mở ra ở các đường phố tại thị trấn, chợ nông thôn ở các huyện. Tuy nhiên, không ít cơ sở chưa thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: Đồ ăn chín không được che đậy kỹ; dụng cụ đựng thức ăn còn mất vệ sinh... Trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 77.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, trong đó có khoảng 10.000 cơ sở thức ăn đường phố. Số lượng các cơ sở lớn, nhưng nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Tại huyện Thanh Oai hiện có 1.923 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đây là địa phương có tốc độ phát triển các ngành nghề chế biến thực phẩm nhanh, chủ yếu là miến, giò, chả, bún bánh...

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại chợ Chuông, xã Phương Trung có hàng chục hàng quán bán đồ ăn chín, như: Bánh cuốn, bún chả, bún ốc, thịt nướng…, nhưng những người phục vụ ở đây đều không đeo găng tay khi làm đồ ăn cho khách. Tại những hàng quán bán đồ nướng, thực khách rất khó phân biệt thực phẩm tươi sống hay đồ đông lạnh, bởi đã được tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị, phẩm màu... Điều đáng nói, tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn chín, thức ăn chín được bày bán cùng với các loại hàng hóa khác, như: Rau, củ, quả, hàng thịt lợn sống…

Bà Phạm Thị Vượng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, sáng nào gia đình bà cũng ra chợ mua đồ ăn sáng: Bánh cuốn, bún chả…, nhưng cũng không quan tâm nhiều tới nguồn gốc thực phẩm, bởi cửa hàng này bán đã lâu năm và có uy tín.

Còn theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long, hiện trên địa bàn huyện có 8.853 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đa số đều có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, nằm rải rác trong các khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc hàng hóa sản phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 23 đã phối hợp với Phòng Y tế huyện Ứng Hòa kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; lập biên bản xử lý 2 cơ sở vi phạm.

Xử lý vi phạm theo quy định

Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thức ăn đường phố và thức
ăn chín ở các chợ nông thôn, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức đạo đức của các hộ kinh doanh thức ăn đường phố và trong chợ.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thời gian tới, thị xã tiếp tục duy trì mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - Sơn Tây, phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại 15 xã, phường. Thị xã duy trì an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 2 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền), Phú Hà (phường Phú Thịnh); duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn thị xã tại tuyến phố Phú Hà (phường Phú Thịnh).

“Thị xã chủ động đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên Cổng thông tin điện tử thị xã và hệ thống Đài Truyền thanh các xã, phường; vận động các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhập nguyên liệu đầu vào ở những mối hàng có uy tín và tuân thủ quy định trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn. Thị xã cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, ông Lê Đại Thăng cho biết thêm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện tăng cường công tác quản lý vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thị trấn và chợ khu vực nông thôn thông qua công tác kiểm tra, giám sát, ký cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các tiểu thương; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, đạo đức trong kinh doanh đối với các tiểu thương và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Để tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở khu vực nông thôn, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đồng thời quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố, chợ văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn chín trong chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ mua ở những cơ sở có uy tín...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-thuc-an-duong-pho-o-khu-vuc-nong-thon-673772.html