Kiên Giang đột phá và phát triển từ biển
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển; trong đó, việc phát triển hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc được xác định hình thành nên không gian đô thị - dịch vụ đồng bộ, hiện đại...
Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. TP. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển, đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
TẦM NHÌN RA BIỂN
Ông Phan Tấn Lộc (69 tuổi), ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá kể lúc còn nhỏ, ông đã thấy cây bần mọc ở góc nhà mình. “Cây bần mọc gần góc đường Nguyễn Hùng Sơn và đường Hoàng Diệu là một trong những cây còn ghi dấu lại khu vực này trước đây là sát bờ biển”, ông Lộc thuật lại. Khu vực ông Lộc nói chính là khu 16ha ở TP. Rạch Giá. Nơi này có thể nói là một trong những khu lấn biển vừa tự nhiên, vừa nhân tạo sớm nhất ở TP. Rạch Giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, cho biết ý tưởng hình thành các khu lấn biển ở thành phố dựa trên chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ý kiến tham vấn cộng đồng, đặc trưng sinh hoạt nghề biển, điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển không gian đô thị về phía tây của Rạch Giá.
Dự án đô thị lấn biển TP. Rạch Giá được đầu tư xây dựng theo Quyết định 1178/QĐ-TTg, ngày 30-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư lấn biển mở rộng khu đô thị mới thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang với 5 khu vực đầu tư có tổng diện tích 420ha.
Nhìn tổng thể, với các dự án lấn biển được triển khai hơn 20 năm qua đã biến TP. Rạch Giá trở thành một trong những đô thị trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị lớn và có nền kinh tế phát triển năng động của vùng. Các công trình an sinh xã hội, khu hành chính, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, siêu thị, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh… được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ tốt cho nhân dân.
Sau hiệu quả từ TP. Rạch Giá, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục cho chủ trương thực hiện thêm nhiều khu lấn biển khác ở các địa phương trong tỉnh,trong đó có TP. Hà Tiên tăng 224,2ha diện tích do lấn biển tại khu vực hai phường Tô Châu, Pháo Đài và xã Thuận Yên, xã Tiên Hải. Huyện Kiên Hải lấn biển 15,1ha tại khu vực xã Hòn Tre, xã An Sơn và xã Nam Du.
CHUỖI ĐÔ THỊ VEN BIỂN
Có thể thấy rõ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quá trình phát triển… ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nên quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 3 trong số 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển có liên quan đến biển.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang Giang Thanh Khoa, cho biết khâu đột phá đầu tiên có thể thấy đó là phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh kết nối du lịch, đầu tư thương mại, sản xuất, tiêu dùng giữa đất liền với hải đảo, trọng tâm là TP. Phú Quốc. Đồng thời, tỉnh phát triển nuôi biển, khai thác hải sản bền vững, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy, hải sản, công nghiệp năng lượng, tái tạo.
Đột phá thứ hai là về phát triển TP. Phú Quốc với cơ chế đặc thù, vượt trội về chính sách ưu đãi để tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cho TP. Phú Quốc. Đột phá thứ ba là phát triển hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển theo quy định pháp luật, sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc; hình thành không gian đô thị - dịch vụ đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Quan điểm phát triển của Kiên Giang là khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với Biển Tây để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. TP. Phú Quốc là đô thị biển, đảo độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển, đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực. Kiên Giang sẽ tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo.
Kiên Giang sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm đầu mối, cảng biển và cảng hàng không.
“Mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển”, đồng chí Lê Quốc Anh cho biết.
Bài và ảnh: TÂY HỒ - KIỀU DIỄM