Kiện toàn các hội, quỹ để nâng cao hiệu quả hoạt động

Thời gian qua, hàng loạt các nghị quyết, kết luận, công văn, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước đã được ban hành nhằm kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện phù hợp với tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị.

Ngày 26/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) thống nhất hợp nhất Quỹ “An sinh xã hội” tỉnh và Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh thành Quỹ “Vì người nghèo”. (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)

Ngày 26/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) thống nhất hợp nhất Quỹ “An sinh xã hội” tỉnh và Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh thành Quỹ “Vì người nghèo”. (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trên cơ sở đó, việc triển khai được thực hiện khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Những năm qua, các hội, quỹ thuộc các bộ, ngành, địa phương đã có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2023 cả nước có hơn 71.890 hội và khoảng 3.150 quỹ, trong đó có 603 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh, hơn 71.280 hội hoạt động phạm vi địa phương và 99 quỹ hoạt động phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; khoảng 3.070 quỹ hoạt động trong phạm vi địa phương.

Các hội, quỹ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện việc chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cũng tích cực huy động các nguồn lực để hỗ trợ, tài trợ giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt,… góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội; huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế; tham gia cung ứng các dịch vụ, thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng,...

Thực tế đã chứng minh những hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả của các hội, quỹ vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt ở những thời điểm đất nước gặp những khó khăn do đại dịch, thiên tai…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hội, quỹ cũng còn một số hạn chế, bất cập. Một số hội, quỹ hoạt động chưa bám sát thực tế, chưa phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể.

Nội dung, phương thức hoạt động của nhiều hội còn chậm đổi mới, chưa thu hút được hội viên và nhân dân tham gia. Cá biệt, một số hội, quỹ còn mất đoàn kết nội bộ, khiếu kiện kéo dài; thiếu minh bạch trong hoạt động, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

Có hội, quỹ còn xảy ra tình trạng thất thoát, lạm dụng, trục lợi cá nhân, gây dư luận xấu trong xã hội, tạo cớ cho các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh những hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả của các hội, quỹ vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt ở những thời điểm đất nước gặp những khó khăn do đại dịch, thiên tai… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hội, quỹ cũng còn một số hạn chế, bất cập.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò, ưu điểm, khắc phục những hạn chế, không làm nảy sinh phức tạp cũng như những vi phạm trong nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tạo điều kiện cho tổ chức, hoạt động của hội, quỹ bảo đảm theo quy định pháp luật và điều lệ, thì cần thiết phải nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các hội, quỹ thông qua sắp xếp, tinh gọn, sáp nhập, ghép các hội, quỹ thuộc các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở sự sáp nhập của các bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Đây không chỉ là để thực hiện chủ trương của Đảng, mà cũng xuất phát từ chính yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, quỹ trong cả nước hiện nay.

Ngay sau khi có chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị của Đảng, các tổ chức hội, quỹ cũng đã chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng sắp xếp, tinh gọn, sáp nhập, ghép các hội, quỹ thuộc các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở sự sáp nhập của các bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của và các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp tỉnh, xã, trong đó các hội, quỹ theo mô hình mới được dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Trong đó, có thể kể đến đó là: Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 60-NQ/ TW năm 2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng với các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã; và Công văn số 1911/BNVTCPCP ngày 29/4/2025 của Bộ Nội vụ về một số nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Hướng dẫn số 18-HD/ MTTW-BTT ngày 2/6/2025 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về bổ sung một số nội dung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp tỉnh, cấp xã)...

Theo đó, đối với các hội, quỹ, tùy theo phân cấp quản lý sẽ có sự sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động khác nhau.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định số 304-QĐ/TW ngày 10/6/2025 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7, cho thấy sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, quỹ.

Trong đó, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò, mối liên hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các hội, quỹ. Từ chỗ chỉ là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nay các tổ chức hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đã trở thành tổ chức trực thuộc, gắn liền với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc sắp xếp, hợp nhất các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là căn cứ để thực hiện việc giảm các đầu mối, giảm các tầng nấc trung gian, tránh chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, giảm quy trình, sử dụng hiệu quả trụ sở, công sản, thực hành tiết kiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại các tổ chức hội quần chúng.

Đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp Trung ương đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn, sáp nhập để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Đảng và Nhà nước.

Sau sắp xếp, tinh gọn, 30 hội giảm còn 20 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương.

Đáng chú ý, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bổ sung quy định 20 hội quần chúng sau sắp xếp, tinh gọn đều là thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động phạm vi cấp tỉnh, xã, Hướng dẫn số 18 chỉ đạo thực hiện theo Hướng dẫn số 31 để bảo đảm thực hiện sắp xếp, tinh gọn các hội quần chúng đồng bộ, thống nhất.

Đối với hội quần chúng (không phải hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ) hoạt động phạm vi tỉnh, xã, Công văn số 1911/BNV-TCPCP Bộ Nội vụ nêu rõ việc sáp nhập, hợp nhất thực hiện theo quy định tại Điều 31, 32 Nghị định số 126/2024/ NĐ-CP ngày 8/10/2024 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện (gọi chung là quỹ) hoạt động phạm vi tỉnh, xã, cũng theo Công văn 1911 việc sáp nhập, hợp nhất và đổi tên thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và khoản 17 Điều 1 Nghị định số 136/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP.

Quán triệt rõ các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của các công văn, hướng dẫn và theo lộ trình cụ thể của Nghị quyết số 60- NQ/TW, các hội, quỹ ở khắp cả nước từ cấp Trung ương, đến cấp tỉnh, huyện, xã đã và đang khẩn trương thực hiện sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất, đổi tên và giải thể.

Việc tiếp tục kiện toàn các hội, quỹ trong cả nước chính là để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Khi xã hội, thực tiễn vận động, thay đổi thì cơ cấu tổ chức của bất kỳ bộ máy nào cũng cần thay đổi cho phù hợp.

Hầu hết các hội, quỹ ở các cấp đang kiện toàn cơ cấu tổ chức, hòa mình vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị của đất nước. Hàng loạt các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt không chỉ về mặt chủ trương, theo đúng lộ trình, hay về chỉ đạo, giám sát thực hiện mà đã có những kết quả bước đầu về tinh gọn, hợp nhất hội, quỹ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Có thể thấy, việc tiếp tục kiện toàn các hội, quỹ trong cả nước chính là để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Khi xã hội, thực tiễn vận động, thay đổi thì cơ cấu tổ chức của bất kỳ bộ máy nào cũng cần thay đổi cho phù hợp. Nhất là trong thời đại cách mạng khoa học-công nghệ hiện đại ngày nay đòi hỏi phải có một bộ máy tổ chức tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thay thế tổ chức bộ máy cồng kềnh, rườm rà, chồng chéo nhau là vô cùng cần thiết và tất yếu.

Đồng thời, việc sáp nhập, đổi tên, giải thể các hội, quỹ là để phù hợp với mô hình quản lý mới, tinh giản bộ máy hành chính, loại bỏ lực lượng dư thừa, giảm chồng chéo, bỏ các khâu trung gian không cần thiết, giảm chi phí hoạt động… giúp các hội, quỹ hoạt động tập trung, hiệu lực, hiệu quả vào từng nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng địa phương.

Kiện toàn, tinh gọn, sắp xếp, sáp nhập, giải thể các hội, quỹ cũng chính là một phần của quá trình tái cấu trúc bộ máy hành chính và do đó, đây là nhiệm vụ tất yếu phải có những định hướng hoạt động phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tiến sĩ NGÔ THỊ NỤ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-toan-cac-hoi-quy-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-post892993.html