Kinh tế Đức rơi vào suy thoái

Đức là nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro, chiếm gần 30% sản lượng kinh tế của khối, là đối tác thương mại lớn nhất của hơn một nửa trong số 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Là đầu tàu EU nên mỗi khi Berlin “hắt hơi, sổ mũi”, phần còn lại của EU rơi vào lo lắng.

Mới đây, Politico dẫn các số liệu vừa công bố cho thấy, kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái, với sản lượng kinh tế giảm 0,3% trong quý I năm nay, cũng là quý thứ hai GDP sụt giảm liên tiếp. Nguyên nhân là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá cả ngày càng tăng cao với mức lạm phát lên tới 7,2%.

Điều này làm tăng thêm áp lực cắt giảm chi tiêu đối với Chính phủ Đức, cũng như gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cảnh báo: “Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, ngân sách liên bang ngày càng thu hẹp lại và tất nhiên, toàn bộ hệ thống không thích ứng với điều đó”.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty Images

Kể từ khi thành lập chính phủ liên minh đèn giao thông vào năm 2021, Thủ tướng Olaf Scholz đã giải quyết những tranh cãi về tài chính bằng cách lập các quỹ đặc biệt ngoài khoản ngân sách thông thường, như quỹ 200 tỷ euro hỗ trợ giảm giá khí đốt và năng lượng cho người dân và doanh nghiệp, quỹ khí hậu trị giá 60 tỷ euro giúp đáp ứng các mục tiêu về môi trường…

Các quỹ này đã đạt đến quy mô khổng lồ 360 tỷ euro vào năm ngoái. Trong khi đó, các bộ, ngành đều không muốn cắt giảm chi tiêu, ngược lại còn yêu cầu chính phủ chi thêm 70 tỷ euro trong ngân sách năm tới cho các quỹ đặc biệt như hỗ trợ trẻ em, hiện đại hóa lực lượng vũ trang, hoàn thành mục tiêu chi quốc phòng đạt 2% GDP như thỏa thuận của khối NATO…

Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của Ngân hàng ING nhận định, sự lạc quan kinh tế hồi đầu năm đã nhường chỗ cho cảm giác lo lắng, khi mà sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng ít đi, chưa kể những yếu tố khác như tác động từ cuộc chiến ở Ukraine, thay đổi nhân khẩu học và quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Đức trong những năm tới. Như một phản ứng dây chuyền, suy thoái kinh tế Đức cũng tạo ra lực cản cho tăng trưởng kinh tế của các nước EU.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/kinh-te-duc-roi-vao-suy-thoai-729525

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/585435-kinh-te-duc-roi-vao-suy-thoai.html