Kinh tế thế giới nổi bật: Nga phản hồi việc ông Trump nói BRICS muốn có đồng tiền riêng, Mỹ sẽ mua lại TikTok? Đầu tàu châu Âu gây bất ngờ

Các nhà đầu tư hàng đầu đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái toàn cầu, Nga nói BRICS không có ý định tạo ra đồng tiền riêng, Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO, châu Âu 'ngắm bắn' các nền tảng thương mại điện tử đang 'làm mưa làm gió'… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.

Nga khẳng định nhóm BRICS không có kế hoạch tạo ra đồng tiền riêng. (Nguồn: Shutterstock)

Nga khẳng định nhóm BRICS không có kế hoạch tạo ra đồng tiền riêng. (Nguồn: Shutterstock)

Kinh tế thế giới

Các nhà quản lý quỹ đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu

Các quỹ phòng hộ đã đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Bắc Mỹ và châu Âu trong tháng 1/2025. Điều này cho thấy những nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới đang chuẩn bị cho nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy, trong tháng 1 vừa qua, các quỹ phòng hộ rút khỏi những cổ phiếu dễ bị tổn thương trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, giữa lúc lo ngại về biến động thị trường và nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng. Thay vào đó, các quỹ này tập trung mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng trụ vững trước suy thoái, bao gồm các công ty trong lĩnh vực y tế và tiện ích - những ngành tạo ra lợi nhuận ổn định bất kể tình hình kinh tế.

Ông Bruno Schneller, chuyên gia từ công ty quản lý tài sản Erlen Capital Management, nhận định: “Việc chuyển hướng sang các lĩnh vực có khả năng chống chịu tốt hơn cho thấy quỹ phòng hộ đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái kinh tế”.

Trong tháng 1/2025, các quỹ phòng hộ bán tháo cổ phiếu của những công ty phụ thuộc vào chi tiêu tùy ý từ thu nhập dư thừa như khách sạn, nhà hàng và hãng kinh doanh hàng xa xỉ, với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022 – thời điểm ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Làn sóng bán tháo diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tác động từ đề xuất của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Kinh tế Mỹ

* Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/1, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2024, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định cho cả năm 2024 nhờ chi tiêu tiêu dùng của chính phủ tăng.

Báo cáo cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,3% trong quý IV/2024, sau khi tăng trưởng 3,1% trong quý trước đó. Tính chung cả năm 2024, GDP nước này tăng 2,8%, thấp hơn một chút so với mức 2,9% của năm trước đó, song vẫn cao hơn nhiều so với mức 1,8% mà các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xác định là tốc độ tăng trưởng không gây ra lạm phát.

* Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu thành lập một quỹ đầu tư quốc gia trong vòng một năm tới. Ông Trump cho biết quỹ này có tiềm năng mua lại ứng dụng video ngắn TikTok.

Tổng thống Trump đã không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về quỹ này và vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động của quỹ đầu tư quốc gia này sẽ như thế nào. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho rằng đã đến lúc nước Mỹ cần một quỹ đầu tư quốc gia.

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 5/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, Bắc Kinh đã khởi kiện về thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong tuyên bố được WTO trích dẫn, chính phủ Trung Quốc cho biết các biện pháp nêu trên dường như không phù hợp với các nghĩa vụ của Mỹ theo thỏa thuận dẫn đến việc thành lập cơ quan thương mại này. Tuyên bố khẳng định: "Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp và khiếu nại bổ sung liên quan đến các vấn đề được xác định tại đây trong quá trình tham vấn và trong bất kỳ yêu cầu thành lập hội đồng nào trong tương lai".

Trước đó, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh đáp trả bằng các loại thuế nhắm vào hàng nhập khẩu năng lượng, ôtô và phụ tùng máy móc của Mỹ.

* Số liệu mới nhất của Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy sản lượng vàng trong nước của Trung Quốc vượt 377,24 tấn năm 2024, tăng 2,087 tấn so với năm 2023, tương đương mức tăng 0,56% tính theo năm.

Tuy nhiên, năm 2024, tiêu thụ vàng ở nước này giảm xuống 985,31 tấn, giảm 9,58% so với năm trước đó. Trong đó, tiêu thụ vàng trang sức giảm 24,69% xuống 532,02 tấn, trong khi nhu cầu vàng thỏi và tiền xu tăng 24,54% lên 373,13 tấn. Việc sử dụng vàng cho công nghiệp và các mục đích khác giảm nhẹ 4,12%, đạt tổng cộng 80,16 tấn.

Kinh tế châu Âu

* Ủy ban châu Âu (EC) hôm 5/2 đã công bố một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm "siết chặt" hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các nền tảng bán hàng trực tuyến đến từ bên ngoài châu Âu như Shein, Temu và cả Amazon. Tâm điểm của những thay đổi này là một loại thuế quan mới và những quy định kiểm soát gắt gao hơn.

Theo EC, tất cả các kiện hàng nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc châu Âu vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chịu một khoản "phí xử lý". Đây thực chất là một loại thuế quan mới, được thiết kế để nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử đang "làm mưa làm gió" trên thị trường châu Âu.

* Thủ tướng Anh Keir Starmer đang tận dụng sự khác biệt trong số liệu thương mại giữa Mỹ và Anh để tránh nguy cơ bị áp thuế quan từ Tổng thống Donald Trump.

Theo số liệu của Mỹ, nước này có thặng dư thương mại với Anh là 14,5 tỷ USD vào năm 2023. Con số này thấp hơn đáng kể mức 71,4 tỷ bảng hay gần 89 tỷ USD theo thống kê của phía Anh. Sự khác biệt này chủ yếu do cách xử lý số liệu của các vùng phụ thuộc của đảo quốc này.

Thủ tướng Starmer lập luận rằng dựa trên các số liệu, Vương quốc Anh nên được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan mà ông Trump đe dọa áp lên với các quốc gia khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại đáng kể.

* Ngày 31/1, Điện Kremlin đã lưu ý về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp lại lời đe dọa áp thế đối với các quốc gia BRICS nếu nhóm này tạo ra đồng tiền riêng của mình, đồng thời khẳng định nhóm không có kế hoạch như vậy.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nhóm BRICS, mà Nga là một thành viên, không thảo luận về việc thiết lập tiền rệ riêng của mình mà chủ yếu là về việc tạo ra các nền tảng đầu tư chung. Ông cũng nhấn mạnh các chuyên gia Mỹ nên báo cáo chi tiết hơn cho Tổng thống Trump về những gì BRICS đang làm.

Trước đó, ngày 30/1, Tổng thống Trump cảnh báo các quốc gia thành viên BRICS không nên thay thế đồng USD làm tiền tệ dự trữ bằng cách nhắc lại lời đe dọa áp mức thuế 100% ông đã đưa ra vài tuần sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2024.

* Cơ quan hàng không dân dụng Nga Rosaviatsia dự kiến lượng vận chuyển hành khách bằng các hãng hàng không nội địa sẽ đạt 109,7 triệu lượt trong năm nay.

Năm 2024, lượng khách vận chuyển là 111,6 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2023. Năm nay, dựa trên dự báo của Rosaviatsia, mức giảm có thể là gần 2% so với năm 2024. Để so sánh: năm 2022, lưu lượng vận chuyển hàng không giảm 14% so với năm 2021 xuống còn khoảng 95 triệu lượt.

* Lạm phát của Đức bất ngờ chậm lại trong tháng 1/2025. Đây là lần đầu tiên lạm phát giảm tốc sau nhiều tháng tăng trở lại và càng củng cố quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang (Destatis), tỷ lệ lạm phát hằng năm tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 2,3% trong tháng 1/2025, thấp hơn so với mức 2,6% trong tháng 12/2024.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng hay biến động và được ECB theo dõi chặt chẽ - đã chậm lại, từ mức 3,3% trong tháng 12/2024 xuống còn 2,9% trong tháng 1/2025.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Chính phủ Nhật Bản sẽ mở rộng phạm vi sàng lọc đối với các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư vào các công ty quốc gia Đông Bắc Á này. Tokyo có kế hoạch sửa đổi các sắc lệnh theo Luật ngoại hối và thương mại nước ngoài sớm nhất là vào mùa Xuân năm nay.

Một danh mục mới về "Nhà đầu tư nước ngoài được chỉ định" sẽ được thiết lập đối với các công ty và cá nhân nước ngoài có thể chuyển thông tin mà họ thu được từ các khoản đầu tư cho chính phủ nước ngoài.

Các công ty này bắt buộc phải báo cáo với Chính phủ Nhật Bản trước khi đầu tư vào các công ty niêm yết trong các ngành có tầm quan trọng cao theo quan điểm về an ninh quốc gia. Chính phủ được cho là đang hướng tới mục tiêu ngăn chặn tình trạng chảy máu công nghệ và các thông tin khác do các công ty Nhật Bản nắm giữ.

* Ngày 4/2, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của nước này năm 2024 đạt mức cao kỷ lục trong năm thứ 12 liên tiếp.

Theo số liệu, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đạt tổng cộng 1.510 tỷ yen (9,72 tỷ USD), tăng 3,7% so với năm 2023.

* Theo dữ liệu do Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Tổng cục Thống kê quốc gia công bố ngày 2/2, GDP bình quân đầu người năm 2024 của Hàn Quốc ước đạt 36.024 USD, tăng 454 USD, tương đương 1,28%, so với năm 2023.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2024 cao hơn Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với các mức lần lượt là 32.859 USD và 33.234 USD.

* Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Quyền Tổng thống Choi Sang-mok đã chỉ thị các cơ quan chính phủ theo dõi sát sao tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mới lên hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc, bao gồm Samsung và LG, đang nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực từ các mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 10% từ Trung Quốc.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia (DEN) Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẵn sàng hợp tác với Indonesia trên nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và quốc phòng.

UAE cam kết đầu tư vào năng lượng tái tạo như địa nhiệt, thủy điện, gió và Mặt trời, đồng thời tài trợ 50 triệu USD cho dự án tái trồng rừng và xây dựng 3 triệu ngôi nhà ở Indonesia. Hai bên cũng hợp tác nâng cấp các cảng, phát triển cơ sở hạ tầng điện với tiềm năng 62 GW, và sản xuất vũ khí hạng nhẹ.

* Ấn Độ quyết định dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và mang lại lợi ích cho các công ty sản xuất điện thoại thông minh như Apple và Xiaomi.

Các linh kiện được miễn thuế bao gồm linh kiện để lắp ráp bảng mạch in, các bộ phận của mô-đun camera và cáp USB. Trước đó, các linh kiện này đã chịu mức thuế 2,5%.

Theo giới phân tích, việc cắt giảm thuế sẽ giúp Ấn Độ ứng phó tốt hơn với một năm thương mại toàn cầu đầy bất ổn do các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ấn Độ đang tận dụng thời điểm này để tìm cách mở rộng thị phần của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Bất chấp những rủi ro do một cuộc chiến thương mại mới gây ra, Malaysia đang có bước đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 4,5-5,5% năm 2025.

Bộ trưởng Kinh tế Datuk Seri Rafizi Ramli lưu ý rằng, ít nhất trong tháng qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn của Malaysia vẫn không thay đổi.

Theo Bộ trưởng Rafizi, chiến tranh thương mại có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn và Malaysia cần có biện pháp để thích ứng với những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-nga-phan-hoi-viec-ong-trump-noi-brics-muon-co-dong-tien-rieng-my-se-mua-lai-tiktok-dau-tau-chau-au-gay-bat-ngo-303334.html