Kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường
Thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, đã có 73 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam.
Những bước tiến vượt bậc
Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, xây dựng và phát triển hiện thực hóa các thể chế kinh tế thị trường cả trong các văn kiện và quy định pháp lý nền tảng của Đảng, Nhà nước, cũng như trong hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trên thực tế trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.
Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Đối với xuất nhập khẩu, trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.
Năm 2022, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với con số 732,5 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD do những khó khăn của tình hình dịch bệnh. Năm nay, xuất nhập khẩu đang phục hồi mạnh và dự kiến sẽ đạt trên 750 tỷ USD, tiếp tục lập một kỷ lục mới.
Đối với Mỹ, thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ đã đạt 74,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng mạnh ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến tiếp tục vượt 100 tỷ USD, kéo dài thành tựu của những năm trước đó.
73 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Tính đến thời điểm này, đã có 73 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…
Những nền kinh tế lớn đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, gồm: Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Australia, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu EVFTA (2016); Vương quốc Anh (2023)…
Nhận định Việt Nam xứng đáng được công nhận là một quốc gia có nền kinh tế thị trường, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phân tích: nhìn ở góc độ bình diện quốc tế, rõ ràng là nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Thêm nữa, với việc các thể chế toàn cầu về kinh tế, đặc biệt những thể chế toàn cầu có định hướng tự do về kinh tế có nhiều tiêu chí khắt khe đã công nhận Việt Nam là thành viên đầy đủ và Việt Nam đã tham gia một cách tích cực.
Đơn cử như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại song phương và đa biên… đã chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được với tư cách thành viên của thế giới về mặt thể chế kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, xét ở góc độ là các nghiên cứu, công bố về cải cách nền kinh tế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng thì rất nhiều báo cáo có trách nhiệm minh bạch, công khai của các tổ chức quốc tế lớn như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) và một loạt các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực cũng cho thấy, gần 40 năm cải cách của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, các chỉ số xếp hạng của Việt Nam luôn đạt được mức độ cao nhìn từ mức độ phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế thị trường nói riêng. Tất cả những tiêu chí về tỷ trọng các thành phần kinh tế cho đến sự đóng góp của các lượng kinh tế ở trong nền kinh tế có thể thấy rất rõ việc tương đồng của nền kinh tế Việt Nam, cấu trúc kinh tế Việt Nam với tất cả những nước đã được công nhận là nền kinh tế thị trường trên thế giới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-viet-nam-chuyen-doi-manh-me-theo-co-che-thi-truong.html