Kịp thời thể chế hóa chủ trương đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Chiều nay 13/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham gia ý kiến tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận tại hội trường chiều nay 13/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_416_35232626/c6f5d673e73d0e63572c.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận tại hội trường chiều nay 13/2.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông khẳng định việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
![Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường chiều nay 13/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_416_35232626/2afc397a0834e16ab825.jpg)
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường chiều nay 13/2.
Tham gia ý kiến tại Điều 8 dự thảo luật về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể tại điểm a, khoản 4, Điều 8 dự thảo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Thay đổi cơ bản phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng”. Để đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất trong áp dụng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị quy định rõ như thế nào là “thay đổi cơ bản”. Đại biểu thấy rằng, việc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật nên giao cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó xem xét quyết định việc nên ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tại đoạn cuối khoản 5 dự thảo quy định “Trường hợp có quy định khác nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng quy định này một mặt mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản được quy định tại Điều 58 dự thảo; mặt khác quy định này có thể tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều nội dung khác nhau, mâu thuẫn chồng chéo chậm được rà soát sửa đổi bổ sung, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có các điều khoản chuyển tiếp, cho phép kéo dài hoặc rút ngắn thời gian có hiệu lực thi hành của một hoặc một số điều khoản đến một thời điểm nhất định để cơ quan có thời gian rà soát các quy định không còn phù hợp để sớm ban hành phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định nêu trên.
Góp ý tại Điều 9 dự thảo về gửi, lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật; Khoản 1 Điều 9 quy định “…cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, giám sát, đăng tải trên công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật”. Tại Khoản 4 Điều 9 dự thảo quy định giá trị của văn bản đăng tải trên công báo “Văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên công báo điện tử có giá trị như văn bản gốc”; tuy nhiên dự thảo chưa quy định về giá trị của văn bản đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về giá trị pháp lý của văn bản đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Liên quan đến về trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 50 dự thảo; Điểm b khoản 1 quy định “Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị quy định rõ trong luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn về “trường hợp cấp bách” để áp dụng thống nhất, đồng thời tránh việc lạm dụng để ban hành văn bản QPPL theo trình tự thủ tục rút gọn.
Tham gia ý kiến về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 58 dự thảo; đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp do cơ quan cùng cấp ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề (ví dụ Thông tư của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư của Bộ Nội vụ có quy định khác nhau về cùng một vấn đề nào đó) thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nào? Vì trong thực tiễn đã có trường hợp xảy ra, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong vấn đề áp dụng pháp luật.