Kỳ 3: Để Ninh Bình vươn mình bước vào kỷ nguyên xanh

Dẫn chúng tôi đến thăm những hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà mới theo Nghị quyết 43 ở huyện Nho Quan, vui mừng trước những “ngôi nhà 43” đang được hoàn thiện, song bà Hoàng Thị Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Quang không khỏi băn khoăn chia sẻ: “Ở xã chúng tôi, người dân rất quan tâm tới việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, còn nhiều hộ rất khó khăn, nhưng chưa được hỗ trợ. Bởi theo các tiêu chí của Nghị quyết, hộ được hỗ trợ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, trường hợp đất ở được cho, tặng, thừa kế mà thửa đất đó đang được sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì phải có giấy tờ cho, thừa kế, giao, chuyển nhượng hợp pháp và có xác nhận của UBND cấp xã. Nhưng trên thực tế, các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta ngày xưa rất ít quan tâm tới việc có giấy tờ hợp pháp, “sổ đỏ” cho con cháu, kể cả việc di chúc, thừa kế. Tôi mong muốn HĐND tỉnh sẽ có những quyết sách tiếp theo để tháo gỡ vấn đề “sổ đỏ” cho người dân một cách hợp tình, hợp lý”.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà (người thứ 2, bên phải ảnh) giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 tại gia đình bà Đinh Thị Thọ, thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan).

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà (người thứ 2, bên phải ảnh) giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 tại gia đình bà Đinh Thị Thọ, thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan).

Thực hiện Nghị quyết 43, trên địa bàn huyện Nho Quan, năm 2024 có 152 hộ được phê duyệt xây mới và sửa chữa nhà ở, trong đó có 116 hộ xây mới và 36 hộ sửa chữa. Tính đến ngày 30/8/2024, đã có 109 hộ hoàn thành (trong đó xây mới là 77 hộ và sửa chữa là 32 hộ). Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Nghị quyết 43 là Nghị quyết có nét riêng và rất ưu việt, nhân văn; là một trong những chính sách nổi bật trong công tác an sinh xã hội của tỉnh Ninh Bình. Nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 43 là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều hộ nghèo của huyện Nho Quan mong muốn được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở nhưng chưa đáp ứng đúng các tiêu chí của Nghị quyết. Đó là các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt, có khó khăn đột xuất...”

Gia đình bà Quách Thị Thảo, xã Phú Long (Nho Quan) được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Gia đình bà Quách Thị Thảo, xã Phú Long (Nho Quan) được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Lương Văn Thụy, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan bổ sung: “Có nhà rồi, nhiều người dân mong muốn được tạo sinh kế, được đào tạo nghề; nhưng đây là một câu chuyện quẩn quanh. Các hộ nghèo hiện nay đa số là hộ người cao tuổi, không phải là đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề. Còn đối tượng được đào tạo nghề, trẻ tuổi, thường được các nhà máy, công ty đào tạo nghề trực tiếp và nhận vào làm việc ngay. Kinh phí đào tạo nghề được cấp, địa phương không sử dụng hết, phải trả lại ngân sách, chứ không được chuyển nguồn. Đây cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ”.

Đồng chí Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn Bùi Đức Phi cũng bày tỏ: Trong thực hiện Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, việc thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân, chúng ta đã có cơ chế cụ thể. Theo Nghị quyết, việc hỗ trợ chia làm hai đợt: Đợt 1 hỗ trợ 50% kinh phí khi khởi công xây dựng, sửa chữa; đợt 2 hỗ trợ 50% kinh phí khi hoàn thành xây dựng, sửa chữa. Nhưng điều này còn bất cập trong thực tế. Nên chăng, cần linh hoạt trong việc giải ngân, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo ứng kinh phí triển khai xây, sửa nhà?.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Kim Sơn đã được xây mới, sửa chữa nhà ở khang trang, kiên cố theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Kim Sơn đã được xây mới, sửa chữa nhà ở khang trang, kiên cố theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Cũng với mong muốn “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, việc thực hiện Nghị quyết 105 đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn những vướng mắc trong hỗ trợ phát triển du lịch ở tỉnh. Vẫn còn tình trạng khách du lịch đến đông nhưng lưu trú chưa nhiều nên doanh thu chưa cao. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp. Việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch là thế mạnh còn hạn chế. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tới thị trường quốc tế hiệu quả còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt, thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn nhìn nhận: “Thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, khác biệt, đẳng cấp, khẳng định thương hiệu theo định hướng công nghiệp văn hóa để nâng cao vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu. Chưa phát huy đầy đủ nền tảng Cố đô Hoa Lư, vị trí địa lý, các giá trị độc đáo, khác biệt về tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người Ninh Bình”. Ngành Du lịch của Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ song chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Du khách tham dự Tuần Du lịch Ninh Bình-Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An năm 2023.

Du khách tham dự Tuần Du lịch Ninh Bình-Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An năm 2023.

Nghị quyết 105 của HĐND tỉnh chính là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần sớm đưa ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững, tương xứng tới tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Nghị quyết đã đưa ra 7 nhóm chính sách hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở lựa chọn những chính sách cơ bản, đặc thù, phù hợp với thực tế phát triển du lịch của tỉnh. Việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là đúng và trúng, là cần thiết. Nhưng sau khi được ban hành, điều quan trọng là làm thế nào để Nghị quyết không chỉ là những nội dung trên giấy; những chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết chỉ là đầu việc, nêu ra cho có.

Rõ ràng, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cùng với phát triển du lịch ở Ninh Bình vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn. Việc nhận diện và tháo gỡ những điểm nghẽn xuất phát từ thực tiễn khi triển khai các quyết sách là nhiệm vụ căn cơ và cấp bách của Ninh Bình trong thời gian tới. Trong đó, HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động và ban hành các quyết sách mới với mục tiêu xuyên suốt là “do dân, vì dân”.

Quang cảnh Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương".

Quang cảnh Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương".

Sau hơn 30 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ninh Bình luôn kiên định với mục tiêu và chiến lược phát triển bền vững dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa, lịch sử và thiên nhiên; lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng với truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển. Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Để hoàn thành được mục tiêu này, bên cạnh những quyết sách đúng và trúng mang tầm chiến lược, cần nhất là sự chung tay, góp sức, đồng lòng của người dân.

Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc của các địa phương trong tỉnh Ninh Bình tham gia biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại Tam quan Tràng An.

Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc của các địa phương trong tỉnh Ninh Bình tham gia biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại Tam quan Tràng An.

Các chính sách từ Nghị quyết 43 và Nghị quyết 105 của HĐND tỉnh là 2 trong những chính sách đặc thù, riêng có của Ninh Bình, bước đầu giải quyết những vấn đề liên quan giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản với tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, trao cơ hội “an cư, lạc nghiệp” cho người dân trong tỉnh.

Chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 (Nghị quyết 43) đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và người dân chung sức, đồng lòng tham gia phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh và cả nước là phấn đấu trong năm 2025, xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Nghị quyết được coi là “cú huých” chính sách giúp Ninh Bình đột phá trong “an cư”, quan tâm giải quyết chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo. Tuy nhiên, để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn, đảm bảo an sinh xã hội, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ; mở rộng đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết 43 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ cận nghèo, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp.

Bà Lê Thị Nhâm (người bên phải ảnh) ở Thị trấn Ninh, huyện Yên Khánh trước ngôi nhà mới được xây theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 43.

Bà Lê Thị Nhâm (người bên phải ảnh) ở Thị trấn Ninh, huyện Yên Khánh trước ngôi nhà mới được xây theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 43.

Xã hội hóa các nguồn lực để góp phần nâng mức hỗ trợ về xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho người dân. Kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” theo tinh thần Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn để người nông dân “ly nông” nhưng không “ly hương”. Lồng ghép công tác đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân. Huy động sự tham gia của các bên, kết hợp hoạt động giữa các “nhà” (nhà đào tạo, nhà doanh nghiệp, chính quyền địa phương...) trong công tác đào tạo, đặc biệt là sự hợp tác giữa các đơn vị đào tạo nghề và đơn vị sử dụng lao động.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc UNESCO, Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch, đưa Ninh Bình phát triển theo hướng xanh, bền vững.Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc UNESCO, Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch, đưa Ninh Bình phát triển theo hướng xanh, bền vững.Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Khi người dân đã an cư, để họ có sinh kế ổn định, nhất là với người dân trong vùng di sản thì các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết 105 góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, nghề truyền thống của cư dân địa phương. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy về cách làm du lịch là hết sức quan trọng. Cần xác định rõ thương hiệu, bản sắc, các loại hình và sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức, quản lý, chiến lược kết nối và hỗ trợ, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đảm bảo nguyên tắc “ngũ giác” trong phát triển du lịch bền vững: “Phát triển kinh tế, hạnh phúc của người dân địa phương, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát triển văn hóa, sự hài lòng của du khách”.

Người dân địa phương hướng dẫn khách quốc tế trải nghiệm thêu ren truyền thống tại xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Người dân địa phương hướng dẫn khách quốc tế trải nghiệm thêu ren truyền thống tại xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và 7% vào năm 2030, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đây là cơ hội để Ninh Bình hình thành khu vực đô thị sáng tạo nghệ thuật, hình thành các bảo tàng lịch sử vùng Nam đồng bằng sông Hồng (kết nối không gian văn hóa vùng miền), phim trường, trình diễn, festival, nghệ thuật thiên niên kỷ, du lịch tâm linh, đồ họa, trang trí… Từ đó, góp phần bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, hình thành nên cốt cách riêng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư “thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, mang đầy đủ những đặc trưng của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, thích ứng nhanh với điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Chương trình di sản văn hóa Bắc Bộ, Trung Bộ tại Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023.

Chương trình di sản văn hóa Bắc Bộ, Trung Bộ tại Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một trong 4 ngành kinh tế trụ cột theo Quy hoạch của tỉnh, hướng tới mô hình phát triển xanh, thời gian tới, Ninh Bình cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, gắn với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh để thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của du khách một cách trực quan, sinh động. Cụ thể như: Xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ du lịch số của tỉnh. Các ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên cả hai nền tảng Android và IOS; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch của tỉnh để tái hiện sinh động không gian văn hóa, di sản nhân loại. Cập nhật các tài nguyên du lịch lên trên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận dễ dàng hơn với khách du lịch hiện đại. Đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến, đề cao sự tiện lợi, linh hoạt trong quá trình đặt phòng, đặt tour du lịch và thanh toán của khách hàng.

Phố cổ Hoa Lư-một sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm, thu hút nhiều du khách khi đến Ninh Bình.

Phố cổ Hoa Lư-một sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm, thu hút nhiều du khách khi đến Ninh Bình.

Thống nhất và liên kết hệ thống dữ liệu các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trên cổng thông tin, trên ứng dụng phần mềm du lịch, để du khách có thể tiếp cận thông minh đa phương tiện vừa xem, vừa nghe, vừa đọc để khai thác trọn vẹn tiềm năng, thế mạnh di sản văn hóa của Ninh Bình. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong du lịch mô phỏng, du lịch thực tế ảo để khách du lịch có thể trải nghiệm và khám phá các địa danh nổi tiếng ở Ninh Bình với thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ, hình ảnh sống động... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, nhất là thông qua các nền tảng số, mạng xã hội, kết hợp với tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao lớn của tỉnh.

Nghị quyết 43 và Nghị quyết 105 của HĐND tỉnh mới chỉ là khởi điểm cho những quyết sách tiếp theo của tỉnh Ninh Bình nói chung và HĐND tỉnh nói riêng, thể hiện tư tưởng “Vì dân, trọng dân, đề cao vai trò, vị thế, sức mạnh của người dân” trong chiến lược phát triển của tỉnh. “Trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành các nghị quyết đúng, trúng, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, mặc dù điều đó cũng là yêu cầu cao hơn, áp lực hơn cho HĐND tỉnh và đại biểu dân cử”- Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Hội nghị khoa học bàn về Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình.

Hội nghị khoa học bàn về Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình cũng cần nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần tạo thuận lợi cho tỉnh trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền. Điều này sẽ giúp Ninh Bình đảm đương sứ mệnh to lớn trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản của nhân loại.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, nhưng ngay từ bây giờ, với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xác định, cần đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để phát triển theo hướng “xanh, bền vững”, xây dựng thành công Đô thị di sản thiên niên kỷ, hòa mình vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-quyet-sach-vi-dan-855459.htm