Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Sáng 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận ở nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là Dự thảo luật bổ sung nước giải khát có đường (nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng quy định này chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn. Khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên (như nước dừa, nước trái cây) có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas. Việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt có gas là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Các đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế, bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên (nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất…) nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước. Đồng thời đề nghị phải có đánh giá tác động rõ về việc thu thuế với mặt hàng này.

Cùng với đó, xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp - có thể lùi thời điểm áp thuế đến năm 2027 với mức khởi điểm thấp (ví dụ 5-8% trong năm đầu) rồi tăng lên 10% năm sau, giúp doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường. Điều này vừa đảm bảo lợi ích Nhà nước (tăng thu và giảm gánh nặng bệnh tật về sau), lợi ích nhân dân (sức khỏe được cải thiện), lại hài hòa lợi ích doanh nghiệp (có lộ trình điều chỉnh sản xuất phù hợp, khuyến khích nghiên cứu đồ uống ít đường). Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành thực phẩm, phát triển các sản phẩm nước giải khát ít đường, sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên an toàn, qua đó thúc đẩy khoa học công nghệ trong nước và đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh.

Tuy nhiên, một số đại biểu đồng tình áp thuế như dự thảo, vì nếu bây giờ không hành động thì tương lai, chi phí y tế cho sức khỏe người dân còn lớn hơn nhiều. Thu thuế với mặt hàng này để giảm bệnh, không để trẻ em trở thành bệnh nhân trước khi trưởng thành. Cùng với đánh thuế, ngành y tế cần tăng cường tuyên truyền về nguy cơ sử dụng thức uống có đường, thức uống đường phố…

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị không quy định xăng, điều hòa là mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các ý kiến của các đại biểu được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình.

Trong phiên họp buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-mot-so-noi-dung-958827.htm