Kỳ I: 'Làn gió mới' cho kinh tế nông thôn

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2019. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình được khẳng định rõ nét bằng hàng trăm sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Cùng với hình thành sản phẩm đa dạng, phong phú, thể hiện tiềm năng, lợi thế và thương hiệu riêng có của tỉnh, vấn đề đặt ra trong thực hiện Chương trình OCOP chính là phát triển bền vững sản phẩm sau công nhận.

Sản phẩm OCOP: Nâng tầm cả lượng và chất

Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn sản xuất theo quy trình khép kín, có sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn sản xuất theo quy trình khép kín, có sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Lan tỏa và hiệu quả

Sau thời gian triển khai, Chương trình OCOP đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tác động lan tỏa đến kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, theo nhu cầu của thị trường. Thông qua Chương trình đã thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 237 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 54 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 182 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Chương trình OCOP đã thu hút được 172 chủ thể thuộc 126 xã, phường tham gia (bao gồm 57 hộ cá thể, 90 HTX và 25 doanh nghiệp).

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, tỷ lệ các chủ thể OCOP gia tăng về quy mô sản xuất, gia tăng sản lượng sản phẩm sau khi được công nhận là 55%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29%; tỷ lệ sản phẩm OCOP tăng giá bán sau khi được công nhận là 50%, mức tăng bình quân về giá 15,7%. Từ hiệu quả mang lại, Chương trình được các địa phương triển khai đồng bộ, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Song Toàn- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đoan Hùng nhận định: Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong tổ chức. Đặc biệt, việc phát triển cây bưởi gắn với xây dựng mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số xã trên địa bàn huyện.

Thực tế cho thấy, khi tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, hầu hết các chủ thể đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ tư duy sản xuất cái mình có trước kia nay chuyển dần sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nhiều chủ thể đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí lao động, tăng doanh thu. Thay vì phát triển sản phẩm nhỏ lẻ, tiêu thụ trực tiếp theo kênh phân phối truyền thống, hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã liên kết hình thành nên các HTX, tổ hợp tác cùng phát triển sản phẩm theo quy mô hàng hóa, giúp sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng số, các kênh bán hàng hiện đại. Đến nay, hơn 150 doanh nghiệp, trên 300 gian hàng của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê chú trọng đầu tư chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê chú trọng đầu tư chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Nhận diện khó khăn

Mặc dù Chương trình OCOP đã lan tỏa trên các địa bàn tỉnh nhưng phát triển sản phẩm OCOP còn gặp một số khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, phát huy tính độc đáo, riêng có của sản phẩm. Giai đoạn 2021-2023, có 19 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đã hết hạn công nhận nhưng có 11/19 sản phẩm chủ thể chưa làm hồ sơ đề nghị công nhận lại. Nguyên nhân theo báo cáo của Sở NN&PTNT là do một số chủ thể đang trong quá trình thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác để phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới; một số chủ thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó nữa mà chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác...

Hiện nay, không ít sản phẩm OCOP gặp khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ. Thực tế cho thấy, nếu chủ thể không có kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc không khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố trước khi phát triển thì sản xuất khó bền vững. Đơn cử, tại huyện Cẩm Khê, sản phẩm măng tây xanh Bắc Bộ, trà măng tây, bột măng tây của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ (xã Chương Xá) hiện đã không còn do sau thời gian canh tác, măng tây bị sâu bệnh nên đã chuyển đổi sang hình thức canh tác khác.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP hiện nay, đồng chí Nguyễn Công Chính - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: Qua thực tế cho thấy, khó khăn nhất trong phát triển sản phẩm OCOP là đa phần quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu thiếu, nhiều sản phẩm chỉ mang tính thời vụ, không đáp ứng được yêu cầu cung ứng liên tục của nhà phân phối và thị trường. Những sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm như rau, củ, quả, trứng, sữa, thịt tươi, đồ ăn nhanh có thời hạn sử dụng ngắn, không tiêu thụ kịp sẽ dẫn đến hư hỏng, phải loại bỏ, gây thiệt hại cho người sản xuất. Ngoài ra, có một số chủ thể chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP nên không chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, phát triển thị trường.

Để chuẩn hóa sản phẩm OCOP là một chuyện nhưng để thương mại hóa được sản phẩm và mang tính bền vững lại là câu chuyện khác, bởi khi đã xác định phát triển theo hướng hàng hóa, sản phẩm OCOP phải theo quy luật của thị trường. Nếu sản phẩm không đáp ứng được về chất lượng, bao bì, tính thẩm mỹ, khả năng kết nối thị trường... sản phẩm gặp khó về khâu tiêu thụ. Ngoài một số sản phẩm rau củ, mỳ gạo, bưởi, chè... sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn “vắng bóng” nhiều trên kệ hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị. Bên cạnh một số sản phẩm sau khi được “gắn sao” có sự ổn định về sản xuất, tiêu thụ cũng có những sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP tương tự nhau, sản phẩm khá nhiều nhưng sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường còn hạn chế. So với các sản phẩm cùng phân khúc, cùng ngành hàng chỉ tính riêng trong phạm vi tỉnh, không ít sản phẩm OCOP không có sự nổi trội về hình thức, chất lượng, giá cả và giá trị riêng nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Đối với chủ thể Chương trình OCOP, quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất. Các sản phẩm tham gia Chương trình đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, nhiều sản phẩm có tính mùa vụ nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được đơn hàng lớn, liên tục, chưa gắn kết nhiều sản phẩm với các tua, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Những hạn chế trên khiến sản phẩm OCOP chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và đòi hỏi có giải pháp đồng bộ.

Kỳ II: Phát huy giá trị, nâng tầm sản phẩm

Nhóm phóng viên Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-i-lan-gio-moi-cho-kinh-te-nong-thon-214363.htm