Kỷ niệm 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu
Nhân kỷ niệm 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu, từ ngày 11-13/5 (tức ngày 22/3 đến 24/3 năm Quý Mão), huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa.
Theo đó, các hoạt động nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc - nhà sử học đầu tiên của nước ta, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam (bộ “Đại Việt Sử ký”); đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn tư liệu, góp thêm tiếng nói về thân thế sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong triển khai lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Đây là sự kiện quan trọng thu hút du khách thập phương về với khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu; kết nối với các di tích lịch sử cách mạng của huyện Thiệu Hóa; tiếp tục giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, nghề truyền thống và những sản vật của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của địa phương.
Huyện Thiệu Hóa cho biết, các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu sẽ được tổ chức đảm bảo trang trọng, thiết thực, an toàn và tiết kiệm. Nội dung các hoạt động có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện được bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn các hoạt động văn hóa với du lịch và các hoạt động quảng bá giới thiệu, tạo sự tác động tương hỗ giữa phát triển văn hóa, du lịch với phát triển ngành, lĩnh vực.
Theo đó, các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu năm 2023 và các hoạt động có liên quan được tổ chức từ ngày 10/5 đến 13/5/2023 (Tức từ ngày 21 đến 24/3 năm Quý Mão) tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Trong đó các hoạt động chính như: Dâng hương, dâng hoa tại lăng mộ Nhà sử học Lê Văn Hưu; Rước kiệu từ lăng mộ về Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu (bắt đầu từ 7h15 phút, ngày 12/5/2023, tức ngày 23/3 năm Quý Mão).
Các hoạt động chính sẽ được tổ chức vào 8h ngày 12/5/2023 (tức ngày 23/3 năm Quý Mão) tại Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung với các nghi thức: Đọc chúc văn, dâng hương; đọc diễn văn nhân 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu; Tế lễ 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu theo truyền thống địa phương (do xã Thiệu Trung thực hiện).
Trong dịp này huyện Thiệu Hóa cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vào hồi 19h30 phút, ngày 11-5/2023 (ngày 22/3 Âm lịch) diễn ra Đêm giao lưu văn nghệ quần chúng tại Trung tâm làng nghề Trà Đông xã Thiệu Trung, với sự tham gia của các đội văn nghệ quần chúng xã Thiệu Trung và một số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian bao gồm: Giải Bóng chuyền hơi các Câu lạc bộ, cúp Lê Văn Hưu lần thứ Nhất huyện Thiệu Hóa năm 2023 (từ 14h00 phút, ngày 11/5 đến ngày 12/5) tại Nhà thi đấu xã Thiệu Trung. Tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian (từ ngày ngày 12 đến hết ngày 13/5/2023) gồm: Cờ bãi, cờ người, kéo co, bịt mắt bắt vịt, thi nấu cơm nồi đất.
Hình ảnh hoạt động sẽ diễn ra tại huyện Thiệu Hóa nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu
Nhân dịp này, huyện Thiệu Hóa tổ chức Hội chợ giới thiệu các sản phẩm đúc đồng truyền thống Trà Đông, sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực huyện Thiệu Hóa năm 2023. Dự kiến hội chợ có 45 gian hàng, có sự tham gia của các sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực, của các huyện bạn như Thọ Xuân, Yên Định, thời gian tổ chức hội chợ từ ngày 10-13/05/2023.
Thông qua các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu, cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện hiểu rõ và tự hào hơn nữa về thân thế, sự nghiệp Nhà sử học Lê Văn Hưu, đặc biệt là góp phần đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đồng thời, thông qua các hoạt động, nhân dân trong và ngoài tỉnh, biết về sản phẩm hàng hóa đúc đồng truyền thống và các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của huyện Thiệu Hóa, để hàng hóa được mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân...
Lê Văn Hưu (1230-1322) là người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ông được cho là Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt, đỗ khi 17 tuổi, cùng khoa thi với trạng nguyên Nguyễn Hiền và thám hoa Đặng Ma La.