Kỳ vọng gì ở tuyến buýt city tour kết nối nội thành và ngoại thành?

Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào vận hành khai thác tuyến xe buýt city tour số 04 từ nội thành đi Bát Tràng trong năm 2024.

Trước thông tin Hà Nội sẽ có thêm tuyến xe buýt city tour số 04 đi Bát Tràng trong năm 2024, bên cạnh việc ủng hộ và mong đợi tuyến buýt mới đi vào hoạt động, vẫn có nhiều người dân cho rằng để dịch vụ mới này hoạt động hiệu quả cần có sự điều chỉnh về giá và các địa điểm trên chuyến hành trình cần thật sự nổi bật, đặc sắc.

Chị P.Lanh (đang công tác tại 1 bảo tàng trên địa bàn thành phố Hà Nội) cho biết bản thân rất ủng hộ việc có tuyến buýt city tour đến các địa điểm ngoại thành, đặc biệt Bát Tràng lại là 1 trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.

Tuy nhiên, chị P.Lanh cho rằng để thu hút được người dân và du khách sử dụng dịch vụ cần nghiên cứu giá vé hợp lý, cạnh tranh được với các dịch vụ cho thuê phương tiện hiện có như xe máy, xe đạp.

"Thực tế các tuyến buýt city tour tại Hà Nội đa phần chỉ có khách nước ngoài, du khách trong nước hay người dân ít khi sử dụng, trải nghiệm và 1 phần nguyên nhân là do giá vé", chị P.Lanh nhận xét.

Hà Nội sẽ có tuyến xe buýt city tour số 04 đi Bát Tràng trong năm 2024.

Hà Nội sẽ có tuyến xe buýt city tour số 04 đi Bát Tràng trong năm 2024.

Được biết, giá vé buýt city tour Hà Nội có giá từ 150.000 đồng (90 phút - 1 vòng tham quan các địa điểm tại Hoàn Kiếm, Tây Hồ) đến 450.000 đồng (1 ngày - lịch trình tương tự gói 150.000) trong khi đó thuê xe máy chỉ từ 100.000 đến 150.000 đồng có thể đi khắp các địa điểm tại Hà Nội trong 1 ngày. Như vậy, việc trải nghiệm buýt city tour chỉ dừng ở mức thử 1 lần cho biết (thậm chí nhiều du khách đến Hà Nội cũng không thử) do giá vé hiện đang có phần kém cạnh tranh.

Bên cạnh vấn đề về giá vé, để tuyến buýt sắp tới đi Bát Tràng có thể thu hút người dân và du khách hơn, anh Tuấn Trường (1 hướng dẫn viên du lịch) cho rằng cần có sự đầu tư không chỉ ở điểm đến cuối cùng mà còn là từng địa điểm chuyến xe đi qua.

"Theo tôi được biết thì tuyến buýt city tour mới sẽ có điểm đầu ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Vườn hoa Diên Hồng và điểm cuối là Bảo tàng gốm ở Bát Tràng. Như vậy, trên cả hành trình cũng cần có sự điều chỉnh để xe đi qua các địa điểm, công trình kiến trúc nổi bật nhằm kéo cảm xúc, hứng thú của du khách, tránh tình trạng lên xe chỉ ngủ hay ngồi bấm điện thoại vì như vậy không khác gì buýt thường", anh Trường nói.

Hà Nội hiện có 136 tuyến xe buýt nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt liền kề.

Hà Nội hiện có 136 tuyến xe buýt nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt liền kề.

Bên cạnh các ý kiến mang tính xây dựng, đóng góp thì đa phần người dân đều hưởng ứng việc thành phố có thêm tuyến buýt phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, ngắm cảnh.

"Nếu người dân và du khách hưởng ứng tuyến buýt city tour mới thì nên tổ chức thêm nhiều tuyến đi từ nội thành ra ngoại thành vì ngoại thành Hà Nội còn rất nhiều địa điểm nổi tiếng (Đồng Mô, Làng cổ Đường Lâm, Thiên sơn suối ngà, Vườn quốc gia Ba Vì...", 1 người dân bày tỏ quan điểm.

Hiện nay, Hà Nội đang vận hành 3 tuyến city tour: 01, và 02 và Tuyến City tour 03 "Thăng Long thắng cảnh". Các tuyến city tour này sử dụng xe buýt 2 tầng và đi qua nhiều danh lam, thắng cảnh mang đến nhiều trải nghiệm đặc sắc của thành phố Hà Nội.

Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3187/QĐ-UBND về việc công bố Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau khi văn bản này được ban hành, Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm công bố công khai và tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền và đúng quy định.

Sở GTVT được giao thường xuyên rà soát, nghiên cứu, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn Thành phố phù hợp với thực tiễn và nhu cầu đi lại của người dân.

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 24/6.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-vong-gi-o-tuyen-buyt-city-tour-ket-noi-noi-thanh-va-ngoai-thanh-169230219135648445.htm