Lai Châu: Phát triển nông nghiệp hàng hóa hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, tỉnh Lai Châu tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp sang hướng hàng hóa tập trung, tạo thành chuỗi giá trị, từ đó tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Mô hình trồng sâm chất lượng cao ở Lai Châu

Mô hình trồng sâm chất lượng cao ở Lai Châu

Để thực thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm triển khai thực hiện hai chương trình trọng điểm và một nhiệm vụ đột phá trong nông nghiệp theo Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, nổi bật là Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững.

Trên cơ sở đó, Lai Châu tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, hình thành các mô hình liên kết “4 nhà”, thúc đẩy phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của nông sản địa phương.

Mô hình trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn

Mô hình trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn

Nhờ đó, ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/năm. Dự kiến đến năm 2025, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 4.148 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm 65,07%; chăn nuôi và thủy sản chiếm 24,3%; lâm nghiệp 10,63%. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Lai Châu hướng đến chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, với các loại cây có giá trị kinh tế cao, thuận lợi trong khâu tiêu thụ đầu ra, như chè, quế, cây ăn quả, mắc ca, lúa chất lượng cao... ngày càng mở rộng diện tích.

Ước tính đến năm 2025, sản lượng lương thực có hạt đạt 226.000 tấn; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 3.954 ha; chè 10.811 ha; cây ăn quả 8.100 ha; mắc ca 7.420 ha; quế 13.000 ha. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cao su và dược liệu với quy mô lớn. Hiện có gần 13.000 ha cao su, trong đó gần 12.000 ha đã cho khai thác, đạt sản lượng trên 12.260 tấn mủ/năm. Diện tích cây dược liệu đạt hơn 11.000 ha, trong đó có khoảng 100 ha trồng Sâm Lai Châu - một sản phẩm tiềm năng có giá trị cao.

Chị Hoàng Thị Hỏi, ở thôn Hô Ta, xã Mường Khoa, Lai Châu, cho biết: Từ vài năm trở lại đây, thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương, người dân chúng tôi cũng tích cực chuyển đổi từ trồng cây lương thực truyền thống sang trồng cây hoa màu, như bí xanh, dưa chuột, ớt và cây chè chất lượng cao.

Nhờ đó, mà có việc làm đều đặc hơn, không còn phụ thuộc vào mùa vụ như xưa, nguồn thu nhập cũng tăng cao hơn cho người dân. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ kết nối nguồn tiêu thụ sản phẩm, nên người dân không cần phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm mình sản xuất ra. Chính nhờ các yếu tố đó mà đời sống của người dân nông thôn trên địa bàn cũng có những thay đổi rất tích cực”.

Chuyển đổi từ canh tác cây lương thực sang trồng dứa cao sản có năng suất cao hơn

Chuyển đổi từ canh tác cây lương thực sang trồng dứa cao sản có năng suất cao hơn

Với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Lai Châu cũng chú trọng phát triển theo hướng trang trại tập trung với quy mô lên tới hàng nghìn con gia súc, gia cầm/trang trại. Từ đó tổ chức ứng dụng ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học. Cho đến nay, tốc độ tăng đàn gia súc bình quân trên 5%/năm, sản lượng thịt hơi các loại đạt 95.300 tấn, tăng 36% so với năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 250 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại.

Ngoài ra, ở lĩnh vực thủy sản, tỉnh Lai Châu cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 1.000 ha, sản lượng ước đạt 18.176 tấn, tăng 43% so với giai đoạn trước. Mô hình nuôi cá nước lạnh và cá lồng trên hồ thủy điện ngày càng mở rộng, đóng góp tích cực vào thu nhập và sinh kế của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Hanh, một thương lái chuyên nhập hàng hóa nông sản từ Lai Châu về Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi kinh doanh cấp hàng hóa nông sản cho chợ đầu mối ở Hà Nội, chuyên thu mua hàng hóa từ Lai Châu, tôi cho rằng hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng và chăn nuôi ở tỉnh Lai Châu vừa qua là rất hợp lý, bởi chỉ có chuyển đổi sản xuất tập trung, thì những thương lái như chúng tôi mới có thể duy trì kết nối tiêu thụ sản phẩm đôi bên cùng có lợi. Đối với người dân thì họ có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định. Từ đó xây dựng đời sống tốt hơn, chất lượng được nâng cao hơn”.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lai-chau-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-hoan-thanh-muc-tieu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-20250714114218544.htm