Làm chủ hệ sinh thái thương mại điện tử: 'Bệ phóng' cho doanh nghiệp

Thương mại điện tử (TMĐT) là đòn bẩy cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

Xây dựng thích ứng linh hoạt kinh doanh TMĐT để phù hợp xu thế và phát triển bền vững.

Xây dựng thích ứng linh hoạt kinh doanh TMĐT để phù hợp xu thế và phát triển bền vững.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ “cuộc chơi”, tạo nên hệ sinh thái có khả năng thích ứng và phát triển bền vững.

Cơ hội phát triển, tìm kiếm đầu tư

Phát triển TMĐT không chỉ là xu hướng, nó trở thành tất yếu trong nền kinh tế hiện đại. Kinh doanh online đang thu hút đông đảo người tiêu dùng, đây là kênh quan trọng đối với doanh nghiệp giúp tối ưu nguồn lực, mở rộng thị trường xuyên biên giới.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2024, ngành đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 18 - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm và được đánh giá cao xếp vào hàng đầu thế giới.

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, TMĐT được xác định là lĩnh vực tiên phong, ứng dụng công nghệ số, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Diễn đàn “Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số Việt Nam 2025” dự kiến diễn ra từ ngày 4 - 6/9/2025 tại TPHCM (trong khuôn khổ sự kiện Vietnam International Sourcing 2025) được kỳ vọng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt giao lưu, tìm kiếm đối tác.

Với sự phối hợp của hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, diễn đàn dự kiến sẽ đón trên 300 đoàn doanh nghiệp quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Xuất hiện các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu hàng hóa và kết nối đầu tư.

Diễn đàn kỳ vọng sẽ là cầu nối quan trọng để chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách định hướng giải pháp đột phá cho TMĐT và kinh tế số Việt Nam.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hệ sinh thái TMĐT bao gồm: Cơ quan quản lý, giải pháp công nghệ, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, logistics và tài chính, người tiêu dùng… Hệ sinh thái phải đảm bảo được tổ chức đào tạo bài bản, hỗ trợ và cộng hưởng lẫn nhau, có khả năng tự điều chỉnh và phát triển bền vững…

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số (eComDX), Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, TMĐT toàn cầu không đơn thuần là mở gian hàng, mà là cuộc chơi đòi hỏi tư duy từng bước làm chủ chuỗi giá trị số.

Theo ông Hoàng, doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ đo lường hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thay vì chỉ “tham gia” mà không “làm chủ”.

Để TMĐT trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, theo Phó Giám đốc eComDX thì doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có.

 Phát triển TMĐT là tất yếu trong nền kinh tế hiện đại. Ảnh minh họa: ITN

Phát triển TMĐT là tất yếu trong nền kinh tế hiện đại. Ảnh minh họa: ITN

Thay đổi để thích ứng, tránh “ỷ lại”

Để hoạt động TMĐT phát triển bền vững, hiệu quả, minh bạch cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp phải chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng, có uy tín, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm, tạo cạnh tranh công bằng, xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng…

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần xây dựng Luật TMĐT để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số”, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.

Theo ông Võ Văn Khanh - Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên: TMĐT là kênh quan trọng đối với doanh nghiệp giúp tối ưu nguồn lực, mở ra cơ hội lớn để vươn ra thị trường toàn quốc và quốc tế.

Việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Các doanh nghiệp không phải lên sàn TMĐT là sẽ thành công, mà phải có sự phân tích, đánh giá giống như kinh doanh truyền thống. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích, tìm kiếm các giải pháp và nhóm người tiêu dùng phù hợp để có sự tiếp cận hiệu quả. Từ đó doanh nghiệp đưa ra các định hướng, kế hoạch phát triển tối ưu cho sản phẩm trên sàn TMĐT”, ông Võ Văn Khanh phân tích.

Ông Phan Quý Thành - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Cơ quan quản lý cần siết chặt đối với các sàn TMĐT.

Đặc biệt là việc kiểm soát thông tin sản phẩm và trách nhiệm của người bán hàng. Cần có cơ chế xử lý minh bạch, nhanh chóng khi có khiếu nại phát sinh. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức, lựa chọn các nền tảng uy tín và cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Năm 2014, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân qua Internet) mới chỉ đạt 2,97 tỷ USD. Đến năm 2024 đã cán mốc 25 tỷ USD, tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Dự báo năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD trong năm 2025. Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT chiếm khoảng 60% với giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400 USD/người/năm.

Cuối năm 2024, TMĐT đã đạt doanh số khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành TMĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Các sàn TMĐT như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt gia nhập vào thị trường Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, độ bao phủ rộng, xuyên biên giới.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi bước vào TMĐT quốc tế thường gặp khó khăn về tối ưu vận hành logistics quốc tế, quản trị đơn hàng đa thị trường, thiếu dữ liệu về hành vi tiêu dùng từng quốc gia, khu vực hay thị trường cụ thể. Việc thiếu các công cụ đo lường và phân tích chuyên sâu khiến họ dễ bị động trong cạnh tranh. Không ít doanh nghiệp Việt đang loay hoay về xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành, marketing và dịch vụ hậu mãi”. Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số

Nguyên Khôi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-chu-he-sinh-thai-thuong-mai-dien-tu-be-phong-cho-doanh-nghiep-post741061.html