Làm giàu từ tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Tân An, xã Nhật Quang (Phù Cừ) là gương nông dân làm kinh tế giỏi với mô hình tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Nhật Quang (Phù Cừ) điều khiển máy cấy

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Nhật Quang (Phù Cừ) điều khiển máy cấy

Sinh ra ở vùng quê thuần nông, anh Tuấn nhận thấy thu nhập của nông dân thấp và bấp bênh vì diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân không áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp... Từ đó, anh quyết định thuê thêm ruộng để cấy lúa chất lượng cao, đầu tư mua máy cày, máy gặt để phục vụ sản xuất...

Lúc đầu ngoài diện tích ruộng của gia đình tôi chỉ dám thuê, mượn thêm vài mẫu để cấy lúa. Sau thấy hiệu quả, tôi mở rộng diện tích. Đến nay gia đình tôi đã tích tụ khoảng 30 mẫu ruộng của các hộ không cấy ở trong xã, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên việc đồng áng cũng đỡ vất vả.

Với diện tích ruộng trên anh Tuấn thường canh tác những giống lúa năng suất, chất lượng cao như: Hà Phát 3, Nếp thơm, Hương Bình... Mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 100 tấn thóc, bán ngay tại ruộng với giá từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg, thu được trên 800 triệu đồng.

Đặc biệt, từ năm 2020 anh Tuấn đầu tư mua 1 chiếc máy cấy, 50.000 khay và 1 chiếc máy gieo mạ để làm mạ khay phục vụ cấy máy cho sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho các hộ có nhu cầu. Vụ xuân năm nay, ngoài cấy diện tích của gia đình, anh Tuấn nhận cấy máy cho khoảng 300 mẫu ruộng của người dân trong và ngoài xã. Chi phí mạ khay, máy cấy cho 1 sào ruộng là 300.000 đồng, chi phí thấp hơn gần 1 nửa so với việc nông dân tự mua thóc giống gieo mạ và thuê người cấy.

Bà Nguyễn Thị Uần, ở thôn Tân An, xã Nhật Quang cho biết: Đây là vụ thứ 2 tôi thuê dịch vụ mạ khay, cấy máy cho diện tích gần 1 mẫu ruộng của gia đình. Với diện tích này trước đây tôi phải thuê 2 – 3 thợ cấy trong vài ngày thì nay tôi chỉ mất nửa ngày. Chi phí mạ khay, cấy máy cũng thấp hơn nhiều so với cấy tay. Máy cấy đều, việc chăm sóc cũng thuận tiện, năng suất lúa cao hơn so với cấy tay...

Từ mô hình tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa, mỗi năm gia đình anh Tuấn thu được khoảng 800 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Cách làm hiệu quả của anh Tuấn đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân thôn Tân An nói riêng, xã Nhật Quang nói chung. Vì thế, tại xã Nhật Quang hiện nay đã có một số hộ tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa với diện tích từ 5 mẫu trở lên...

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/lam-giau-tu-tich-tu-ruong-cay-lua-hang-hoa-3179315.html