Làm mới lối kể chuyện di sản

Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là giá trị quá khứ mà còn là cảm hứng sáng tạo cho hiện tại và tương lai. Bên cạnh bảo tồn, cách thức quảng bá, phát huy giá trị đều tác động trực tiếp đến sức sống của từng loại hình di sản.

Bắt đầu từ cộng đồng nhỏ

Năm 2016, Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được thành lập, tập trung nghiên cứu, tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện và cung cấp dịch vụ với mục tiêu xúc tiến và quảng bá văn hóa phi vật thể Việt Nam tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Lệ Quyên cho biết, ban đầu mục đích của các hoạt động này là đưa hình ảnh, nội dung trình diễn để di sản được hiển thị, được nhận diện với quy mô hoành tráng, thu hút nhiều người nhất. Tuy nhiên, sau một thời gian, cách làm này tỏ ra không hiệu quả. Dường như vẫn còn khoảng cách lớn giữa cộng đồng với di sản.

Nếu như trước kia, nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống lao động thì nay với tác động của công nghệ, các loại hình giải trí đa dạng, nó không còn là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Phần lớn cộng đồng coi di sản là của quá khứ, đóng đinh các giá trị. Thực tế, nhiều người đến với các chương trình văn hóa truyền thống với tâm thế thương cảm, coi truyền thống là cái cần phải cứu vớt.

"Sau một thời gian thử nghiệm với các chương trình quảng bá quy mô lớn, chúng tôi nhận ra rằng quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không đơn thuần là trưng cho càng nhiều người biết càng tốt, mà phải tạo ra sự gần gũi, yêu mến, làm sao chạm đến sự hiểu, sự yêu của khán giả. Và rõ ràng, công tác quảng bá còn cần một yếu tố nữa là giáo dục”, bà Quyên chia sẻ.

Nhịp sống hiện đại đòi hỏi cách thức phù hợp kéo khán giả đến với di sản. Ảnh: VICH

Nhịp sống hiện đại đòi hỏi cách thức phù hợp kéo khán giả đến với di sản. Ảnh: VICH

Chuyển hướng hành động, gắn giáo dục với các hoạt động quảng bá di sản, tập trung vào các cộng đồng nhỏ là điều Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam thực hiện những năm qua. Bà Nguyễn Lệ Quyên phân tích, nhịp sống hiện đại đòi hỏi phải có cách thức phù hợp quảng bá nếu muốn kéo gần khán giả đến với di sản. Đơn cử giờ đây các chương trình, sự kiện giới thiệu, quảng bá di sản chỉ với quy mô nhỏ, lượng khán giả vừa phải (dưới 30 người), kết hợp giới thiệu 2 - 3 loại hình di sản. Khán giả không chỉ được xem trình diễn mà còn có thời gian để trao đổi với nghệ nhân, tham gia các game tương tác sử dụng chất liệu di sản…

“Chúng tôi gọi đó là điểm chạm với di sản. Khi có điểm chạm, công chúng sẽ tự nảy sinh nhu cầu kết nối với di sản. Cách làm này đã và đang mang lại thành công, khi các chương trình của Trung tâm nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả, ngày càng mở rộng đối tượng công chúng. Hy vọng rằng từ nhóm cộng đồng nhỏ ấy, tâm thức, tình yêu với di sản sẽ dần lan tỏa, để đánh thức các giác quan của cộng đồng với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”, bà Quyên tin tưởng.

Thấu hiểu, bảo tồn, phát triển và quảng bá

Thời gian qua, rất nhiều tổ chức, đơn vị, dự án như Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish, Gánh hát lưu diễn muôn phương… nỗ lực lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, kết nối di sản với cộng đồng. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là cách bảo tồn, duy trì sức sống của di sản trong dòng chảy đương đại mà còn tạo cơ hội để cộng đồng, nhất là giới trẻ được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức trong việc quảng bá, khai thác và phát huy giá trị di sản.

Đó là khi các phương tiện thông tin đại chúng du nhập văn hóa nước ngoài, khiến một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là giới trẻ thờ ơ với di sản văn hóa truyền thống, thích những gì mới lạ. Chính vì vậy, cần những giải pháp mang tính ứng dụng cụ thể từ phạm vi gia đình, nhà trường, cộng đồng để giáo dục hiểu biết về di sản văn hóa truyền thống. Bản thân các di sản văn hóa cũng không thể “đứng yên” mà cần phát triển, có cách thức ứng biến linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, nhu cầu tiếp cận của công chúng thời đại mới.

Theo nhà nghiên cứu vănhóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tính quá trình của văn hóa khiến chúng ta không thể ngược nguồn về thời gian, không thể tái hiện y xì không gian và điều kiện cho di sản. Vậy, trong chọn lọc đời thường, những gì mang giá trị thường được nhiều nơi thừa nhận và sót lại qua thời gian. Chính những giá trị đó mới là điều cốt lõi làm nên bản sắc của di sản. Dựa trên nguyên tắc này có thể khuyến khích, sáng tạo, mở rộng phạm vi, cách tiếp cận, để di sản văn hóa phi vật thể được lan tỏa với cách thức quảng bá sinh động hơn, phong phú, đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, “có bốn điểm cần được lưu ý khi nói về di sản văn hóa phi vật thể là thấu hiểu, bảo tồn, phát triển, quảng bá. Cả bốn việc này quan trọng như nhau và cần tiến hành đồng bộ đối với một di sản. Thấu hiểu, bảo tồn phải gắn chặt với sự phát triển, quảng bá để mọi người được hưởng thụ những giá trị, đặc sắc văn hóa của nhau”.

Nền văn hóa của Việt Nam với số lượng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ là một lợi thế. Để đánh thức hết vẻ đẹp của di sản cần những phương thức phù hợp để đưa di sản đến gần công chúng. Nói như Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, văn hóa truyền thống có thể bảo vệ, phát huy bằng nhiều cách. Bảo vệ nguyên vẹn như trong bảo tàng hay các nhà hát truyền thống, nhưng cũng có thể bảo vệ thông qua sáng tạo, sử dụng chất liệu truyền thống để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại.

“Chỉ khi người ta hiểu, thích truyền thống thì mới mong muốn tìm hiểu thêm truyền thống. Như vậy, truyền thống mới có thể tiếp diễn và được giữ gìn. Trước hết, phải nâng cao nhận thức về di sản, để di sản có thể tiếp cận nhiều hơn đối với giới trẻ. Hiểu biết rõ hơn di sản của đất nước, họ có thêm động lực, quyết tâm gìn giữ di sản. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động phát huy giá trị di sản và hoạt động giáo dục di sản. Chúng ta cũng cần có những ví dụ thực hành tốt về bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị di sản, từ đó lan tỏa cho toàn xã hội”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/lam-moi-loi-ke-chuyen-di-san-i375719/