Làm mới những động lực cũ cho một kịch bản GDP về đích trên 6,5%

Liệu kịch bản GDP năm 2024 đạt 6,5% - 6,9% có khả năng hoàn thành? Theo TS. Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cần làm vững chắc các động lực hiện có và lựa chọn cải thiện GDP làm công cụ tăng tốc.

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết nền kinh tế tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 tăng 6,93%.

Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp tăng 0,38 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp tăng 3,25 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,07%, đóng góp tăng 3,48 điểm phần trăm.

Chỉ số GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% được đánh giá chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Mức tăng trưởng này vượt xa kỳ vọng của các tổ chức như World Bank hay Quỹ tiền tệ thế giới với mức dự báo 5,5 - 6% cho cả năm 2024.

GDP vượt dự báo trong 6 tháng đầu năm do đâu?

Lý giải về động lực tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ với VietTimes cho rằng trong xu hướng phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam quý đầu năm tuy tương đối khó khăn nhưng từ quý II đã có dấu hiệu khởi sắc tốt hơn so với dự tính ban đầu.

Kinh tế thế giới cũng đã nâng điểm dự báo lên 0,1 – 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm cho 2024. Điều này cho thấy động lực từ nền kinh tế có sự tăng trưởng tốt.

Ở Việt Nam, động lực lớn được nhìn thấy từ vốn FDI với 13,5 tỷ USD vốn đăng ký và 10,8 tỷ USD vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm, lần lượt tăng 43% và 7,8% so với cùng kỳ.

 TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Với đà tăng này, vốn FDI sẽ đạt khoảng 21 - 22 tỷ USD vốn thực hiện và trên 30 tỷ USD vốn đăng ký của cả năm nay. Đây là một con số cao, tuy nhiên cũng chưa phải quá đột biến so với các năm trước Covid-19.

Động lực này càng được củng cố mạnh mẽ khi cầu xuất khẩu khi thị trường bên ngoài phục hồi tốt. Từ đầu năm đến giờ, hàng loạt mặt hàng đã đạt được kỷ lục xuất khẩu mới.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng tiếp theo được mạnh thông qua các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đạt hơn 1.845,8 tỷ đồng, bằng 20,8% trong 6 tháng đầu năm 2024, thấp hơn cùng kỳ 7,9%. Mức giải ngân theo số tuyệt đối giảm khoảng 8% so với cùng kỳ do mức nền cao trong năm 2023.

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã xử lý được khúc mắc liên quan đến nguồn nguyên liệu cho các dự án hạ tầng lớn, trình tự thủ tục trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng dựa vào đầu tư công chỉ đến ngưỡng nhất định. Mấy năm qua, đầu tư công được đẩy mạnh chủ yếu dựa trên các công trình lớn, nhưng các công trình nhỏ mới thật sự tạo thêm việc làm cho người lao động.

“Có thể đầu tư công vẫn tăng nhưng đóng góp vào tăng trưởng GDP sẽ không nhiều trong 2 quý cuối năm. Yếu tố có thể kỳ vọng là sự thay đổi của Luật Đầu tư công và đẩy mạnh đầu tư các công trình hạng mục nhỏ, bởi điểm nghẽn cũng nằm nhiều ở các dự án nhỏ”, ông Thắng phân tích.

Bên cạnh các nguyên nhân như công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng hay công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm, việc giải ngân trong năm 2024 gặp khó khăn do tập trung thi công các dự án đã được tạm ứng trong năm 2023 hoặc nhiều dự án đã sang giai đoạn có giá trị giải ngân thấp.

Một điểm đáng lưu ý là cầu tiêu dùng trong nước vẫn thấp, chưa có sự phục hồi lớn. Nếu loại trừ lạm phát, doanh thu ngành bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tiêu dùng chưa bứt phá khi doanh thu bán lẻ quý 2 chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ và thấp hơn quý đầu năm, cho thấy tiêu dùng không quá đột biến.

 Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tổng cục Thống kê.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tổng cục Thống kê.

Trên cơ sở GDP ngắn hạn được tính từ tăng trưởng phụ thuộc vào cầu tiêu dùng, xuất khẩu ròng, đầu tư công và chi tiêu Chính phủ, ông Thắng nhìn nhận, tăng trưởng tiêu dùng không có biến động đáng kể, chưa thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi cầu tiêu dùng thường chiếm hơn 60% tăng trưởng GDP ngắn hạn.

“Đợt tăng lương cơ sở 30% từ 1/7/2024 vừa qua kỳ vọng tạo ra kích cầu tiêu dùng. Mặc dù mức tăng này là đáng kể so với tổng ngân sách, tuy nhiên, với mức lương hiện nay của 4 triệu lao động trong hệ thống công thì chỉ đảm bảo chi tiêu thường xuyên thông thường mà chưa thể thay đổi được nhiều cấu trúc tiêu dùng của một số loại hàng hóa”, chuyên gia nhận định.

Một yếu tố khác được TS. Trần Toàn Thắng nhắc tới là Chính phủ tiếp tục gia hạn VAT ở mức 8%, nhưng chỉ áp dụng trong thời kỳ hạn ngắn nên chưa thể tạo tác động rõ ràng do doanh nghiệp sẽ không thay đổi kế hoạch kinh doanh.

“Điểm mới đáng chú ý là Nghị định về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp vừa được thông qua cho thấy Chính phủ đã tiếp thu tốt ý kiến của công luận và chuyên gia về hình thành thị trường này. Điều đó sẽ góp phần thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực cho đầu tư hạ tầng năng lượng tốt hơn trong thời gian tới”.

TS. Trần Toàn Thắng

Sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng là yếu tố quan trọng để kéo các thị trường vật liệu xây dựng phục hồi theo. Luật Đất đai và một số Nghị định liên quan bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024 có thể giải quyết được các vướng mắc trong trình tự, thủ tục.

Điều này được kỳ vọng kích thích thị trường bất động sản tăng trưởng. Trên thực tế, bất động sản thời gian qua chủ yếu là tăng giá, trong khi lượng tăng về giao dịch chưa nhiều.

Về đầu tư tư nhân, qua trao đổi với một số doanh nghiệp, ông Thắng cho biết phần lớn chưa đặt ra kỳ vọng tốt, do đó chưa thể có niềm tin yếu tố này sẽ phục hồi trong nửa cuối 2024.

Cùng với đó, thị trường vốn phụ thuộc vào thể chế kích thích đầu tư; tín dụng tăng trưởng thấp; thị trường trái phiếu chưa phục hồi được vì niềm tin chưa thực sự được khôi phục.

Cải thiện năng suất lao động là động lực tăng tốc GDP nửa cuối 2024

Ước lượng đường tăng trưởng tiềm năng dài hạn sau Covid-19 có xu hướng giảm trên 5%, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển nhìn nhận về khả năng hoàn thành kịch bản tăng trưởng GDP 6,5 – 6,9% cho rằng, nếu có thể vọt lên mức 6,5% sẽ phụ thuộc vào cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng các thị trường.

“Trong thị trường lao động, năng suất kích thích bởi chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh mới ở mức hô hào, việc có thể đóng góp vào con số tăng trưởng cụ thể chưa nhiều. Những doanh nghiệp startup chỉ là một số trường hợp tiêu biểu chưa tạo được làn sóng thực sự”, ông Trần Toàn Thắng đánh giá.

Trong 6 tháng đầu năm, 119.612 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã lớn hơn 110.316 doanh nghiệp rút lui. Điều này cho thấy kỳ vọng của doanh nghiệp tốt hơn cũng góp phần kéo động lực tăng trưởng đi lên.

Mặc dù nhiều chỉ số bứt phá tạo nên tăng trưởng GDP vượt kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, nhưng vị chuyên gia này cho rằng những động lực này tương đối bấp bênh để có thể duy trì tiếp trong 2 quý cuối năm.

“Một số vấn đề mang yếu tố cốt lõi đã xuất hiện từ vài năm trước nay được thể hiện rõ hơn. Tiêu biểu là câu chuyện thiếu lao động khu vực chế biến, chế tạo đã chuyển đổi nghề nghiệp sau Covid-19, làm ảnh hưởng đến triển vọng giải ngân đầu tư FDI. Nếu có tăng vốn đăng ký FDI lên cao hơn nhưng không giải quyết được vấn đề lao động thì không thể thấy triển vọng giải ngân tăng thêm”, ông Thắng phân tích.

Theo ông Trần Toàn Thắng, kỳ vọng lớn nhất là thị trường vốn dài hạn cho doanh nghiệp để họ thay đổi được về mặt cơ bản trong đầu tư năng suất lao động. Nếu năng suất lao động không thể cải thiện thì kịch bản tăng trưởng GDP 6 – 6,5% sẽ khó thực hiện được.

TS. Trần Toàn Thắng đánh giá lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn định trong 6 tháng đầu năm ở mức 4,03%, trong đó giá nhóm lương thực tăng nhiều nhất 15,76% so với cùng kỳ. Nhìn vào cầu tiêu dùng trong nước không tăng thì đây không phải vấn đề lớn của lạm phát.

Nếu có ảnh hưởng thì do yếu tố đến từ bên ngoài như logictis, phí cảng biển xuất khẩu sẽ tác động phần nào trong quý tới do biến động địa chính trị hay giá dầu. Thời điểm lan tỏa có thể trong cuối quý III, đầu quý IV khiến giá hàng nhập khẩu tăng. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, chỉ số lạm phát khoảng 4% không phải quá lo ngại.

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lam-moi-nhung-dong-luc-cu-cho-mot-kich-ban-gdp-ve-dich-tren-65-post176493.html