Lan tỏa giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Nhóm bốn sinh viên năm cuối, ngành Quản trị Truyền thông đa phương tiện (trường ĐH FPT TP. HCM) gồm: Trảo Nhật Hằng, Lưu Vương Khánh Hà, Lương Nhật Thi và Cao Hoàng Anh đã thực hiện dự án 'Tọa độ cồng chiêng' nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến cộng đồng.

Đêm diễn nhiều ấn tượng

Tối 30/3, chương trình âm nhạc “Gong night”, với cảm hứng văn hóa Tây Nguyên từ sử thi đến đương đại, đã diễn ra tại TP. Thủ Đức (TP. HCM). Sự kiện do nhóm thực hiện dự án “Tọa độ cồng chiêng” phối hợp với Young City tổ chức.

Chương trình được dàn dựng thành 3 phần, qua hành trình “ngược dòng thời gian” tìm về những tiếng chiêng cổ, những giai điệu ở xứ sở đại ngàn, cộng hưởng với âm hưởng đương đại đầy trẻ trung, sôi nổi.

Ca sĩ đến từ mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên Y Kroc, ca sĩ Danh Gold Star, các nghệ sĩ đàn T’rưng Chánh Nguyễn, sáo trúc Việt Anh, đàn tranh Tuệ Minh, cùng các bạn trẻ yêu quý những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã đóng góp những tiếng hát cùng các thanh âm đậm chất sử thi nơi xứ sở đại ngàn. Đông đảo du khách, bạn trẻ hào hứng khi chứng kiến không gian kết nối của những nhạc điệu âm nhạc cổ truyền và những giai điệu bùng nổ của EDM.

Ca sĩ Y Kroc hát tại chương trình.

Ca sĩ Y Kroc hát tại chương trình.

Danh Gold Star hát tại chương trình.

Danh Gold Star hát tại chương trình.

Góp giọng trong đêm nhạc, ca sĩ Danh Gold Star cho biết, anh được sinh ra ở Sóc Trăng, là con em dân tộc Khmer nhưng yêu thích thể loại âm nhạc truyền thống nói chung và âm nhạc Tây Nguyên nói riêng. “Mình rất hạnh phúc khi được trình diễn bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên trước đông đảo công chúng TP. HCM”, Danh Gold Star nói.

Nghệ sĩ đàn tranh Tuệ Minh biểu diễn tại chương trình.

Nghệ sĩ đàn tranh Tuệ Minh biểu diễn tại chương trình.

Lan tỏa giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Để thực hiện dự án “Tọa độ cồng chiêng”, nhóm bốn sinh viên trường ĐH FPT TP. HCM đã thực hiện chuyến khảo sát, nghiên cứu và trở về tỉnh Gia Lai để tìm kiếm những câu chuyện về văn hóa cồng chiêng. Các bạn đã gặp gỡ những nghệ sĩ ưu tú, những nghệ nhân chỉnh chiêng và đại diện thế hệ trẻ để cùng lan tỏa giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trảo Nhật Hằng (quản lý dự án “Tọa độ cồng chiêng”) cho biết, nhóm thực hiện trăn trở với nguyện vọng chọn một chủ đề văn hóa và lan tỏa để những bạn trẻ, người dân ở TP. HCM cảm thấy yêu thích một phần văn hóa dân tộc. Nhóm quyết định chọn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để chuyển tải hiểu biết, tình cảm trân trọng, biết ơn của những người trẻ yêu mến giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Rất đông khán giả cùng thưởng thức chương trình âm nhạc “Gong night”.

Rất đông khán giả cùng thưởng thức chương trình âm nhạc “Gong night”.

Theo Nhật Hằng, khi tiếp cận thực tế, các bạn thấy được những khó khăn của việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, khi chính những người trong cộng đồng chia sẻ là các bạn trẻ hiện tại rất ngại trong việc tiếp tục làm thế nào để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn cho không gian văn hóa này.

“Các bạn trẻ rất ngại và cảm thấy như mình không thuộc về những giá trị truyền thống của chính nơi mình sinh ra. Mặt khác, những người trong cộng đồng rất khó khăn trong việc tìm người chỉnh chiêng, giảng dạy chỉnh chiêng, cũng như việc các bạn trẻ tiếp tục lan tỏa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Nhật Hằng chia sẻ.

Thông qua dự án “Tọa độ cồng chiêng”, nhóm hy vọng có thể lan tỏa, chia sẻ những giá trị thuộc Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến bạn trẻ, người dân TP. HCM. Song song đó, nhóm mong có thể đóng góp vào hành trình bảo tồn, lưu giữ những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trong 4 tháng thực hiện dự án, nhóm thực hiện đã nỗ lực áp dụng công nghệ để số hóa 40 bài cồng chiêng cổ điển và phát hành trên nền tảng website của dự án, số hóa mô hình 3D cồng chiêng cũng như các hoạt động thực tế để giúp bạn trẻ có dịp tiếp cận gần hơn với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng liên kết dự án "Tọa độ cồng chiêng" với các sự kiện lớn của trường đại học để tiếp cận đông đảo các bạn sinh viên.

Hà Chi - Ngô Tùng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lan-toa-gia-tri-khong-gian-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-post1729753.tpo