Lan tỏa tình yêu nước, niềm tự hào ngoại giao qua 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' tại Quảng Châu, Trung Quốc
Theo Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng, việc xây dựng 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' tại Quảng Châu – cái nôi của Cách mạng Việt Nam, sẽ lan tỏa tình yêu nước cho cộng đồng người Việt Nam sở tại nói chung và truyền cảm hứng, niềm tự hào, tinh thần phụng sự cho các cán bộ ngoại giao đang công tác tại cơ quan đại diện nói riêng.

Bác Hồ làm việc tại Trụ sở chính của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và rất vinh dự, tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Người đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một tư tưởng ngoại giao đặc sắc - Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Văn hóa ngoại giao của Người mang những giá trị đặc sắc được thể hiện qua tư tưởng, hoạt động, tri thức, ngôn ngữ, nghệ thuật và phong cách ứng xử. Những giá trị này cần được tiếp tục khẳng định, vận dụng và phát triển trong quá trình hoạt động ngoại giao hiện nay.
Việc “lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một mục tiêu lớn được đề ra tại Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chiến lược này đã đặt mục tiêu cụ thể tới năm 2030, tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng “Góc Việt Nam” hoặc “Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thiết kế mô hình “Không gian Hồ Chí Minh” với các cấu phần linh hoạt như tượng chân dung, quốc kỳ, khu trưng bày ảnh và tư liệu, cùng tủ sách đa ngữ về tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam, một mặt đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa cơ quan đại diện Việt Nam, mặt khác giúp phát huy hiệu quả hơn nữa công tác giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới một cách đồng bộ.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng trao tặng phẩm của Tổng Bí thư Tô Lâm cho Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng Quảng Đông nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Tài sản tinh thần và cầu nối văn hóa
Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là một địa danh gắn liền với hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các di tích và ấn phẩm về Người ở Quảng Châu không chỉ là “Bảo tàng sống” về một giai đoạn lịch sử quan trọng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, mà còn hàm chứa những giá trị thời sự và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bày tỏ may mắn khi Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu được đặt tại địa bàn có nhiều di tích lịch sử gắn liền với hoạt động của Bác và Cách mạng Việt Nam, Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng khẳng định đây là những chứng tích lịch sử vô giá gắn liền với công cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ đầu.
Theo Tổng lãnh sự, hiện nay các khu di tích đều được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu quan tâm tôn tạo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công chúng sở tại và các đoàn công tác, du khách của Việt Nam đến tham quan.
Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, vì trụ sở Khu di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoặc Triển lãm “Đường Cách mạng - Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” được khai mạc tại Bảo tàng lịch sử cách mạng Quảng Đông vào tháng 5/2025 vừa qua chính là những không gian văn hóa liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh hữu hình và sẵn có tại địa bàn, là tiền đề quan trọng để khai thác, phát huy giá trị.
Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng cho rằng, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Quảng Châu – cái nôi của Cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây sẽ là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa quý báu dẫn dắt và truyền cảm hứng cho suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên, học sinh, kiều bào đang sinh sống, học tập tại Trung Quốc nói chung và Quảng Châu nói riêng.
Những câu chuyện, hình ảnh của Bác Hồ tại cơ quan đại diện chắc chắn sẽ giúp nâng cao ý thức về lòng tự hào dân tộc, niềm tự hào về ngành ngoại giao và ý thức trách nhiệm, tinh thần phụng sự của những cán bộ đang công tác tại cơ quan đại diện.
Bên cạnh đó, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Quảng Châu cũng sẽ giúp kể lại những câu chuyện cảm động về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, đặc biệt là tình cảm gắn bó giữa Bác Hồ với Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Đông.
Với ý nghĩa lớn lao và thiết thực như vậy, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Quảng Châu sẽ cần được xây dựng một cách toàn diện, bao gồm cả “không gian văn hóa vật thể” và “không gian văn hóa phi vật thể”. Không gian văn hóa vật thể có thể bao gồm khu trưng bày tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí liên quan đến Bác Hồ và tình hữu nghị truyền thống giữa Bác với Lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là những ấn phẩm về tình cảm giữa Bác với lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Đông.
“Không gian văn hóa phi vật thể” có thể được hình thành qua các hoạt động như chiếu phim, sinh hoạt chuyên đề về tấm gương, tư tưởng của Bác để giúp các thế hệ người Việt Nam ở địa bàn, đặc biệt là thanh niên hiểu sử Việt, yêu sử Việt, đặc biệt là những giai đoạn lịch sử gắn với hoạt động của Bác Hồ ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổng lãnh sự cũng đang tính tới việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh online” trên website với kho tư liệu ảnh, bài viết, infographic, video clip, tủ sách điện tử…

Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng và các cán bộ, đảng viên Tổng lãnh sự quán tại Khu di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Thúc đẩy sáng tạo và quảng bá hình ảnh Việt Nam
Theo Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng, Quảng Châu là nơi có nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu và địa chỉ đỏ liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Hơn nữa, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được Lãnh đạo Bộ Ngoại giao xác định là định hướng và chủ trương nhất quán để lan tỏa các giá trị của tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là nhiệm vụ chính trị - lịch sử, mà còn là nền tảng để thúc đẩy sáng tạo và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Ngoài ra, ở Quảng Châu còn có nhiều “địa chỉ đỏ” khác liên quan đến những hoạt động cách mạng của Bác Hồ trong giai đoạn từ 11/1924 – 5/1927 như: Trường quân sự Hoàng Phố, Trường huấn luyện phong trào nông dân do đồng chí Mao Trạch Đông làm chủ nhiệm, di tích Hội Nông dân tỉnh Quảng Đông, di tích Trụ sở của Tổng Công hội (Liên đoàn Công đoàn) toàn Trung Quốc, di tích Trụ sở Nghị viện Quảng Đông…
“Những di tích lịch sử liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Việt Nam ở thành phố Quảng Châu và tỉnh Quảng Đông chính là tài nguyên sẵn có, là những “nền móng lịch sử vững chắc” để chúng ta xây dựng nên không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, hoặc nói cách khác tức là chúng ta đang có 'điểm tựa' quý giá của lịch sử”, Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác tốt đẹp, thực chất trên nhiều phương diện giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với tỉnh Quảng Đông hiện nay cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để triển khai công tác này. Quan hệ hợp tác giữa các sở, ngành, cơ quan trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, bảo tàng của hai bên đã tạo nên những chương trình, dự án hợp tác thành công, có hiệu quả tuyên truyền và sức lan tỏa rộng rãi ở Việt Nam và sở tại.
Trong thời gian qua, các cơ quan liên quan hai bên đã tích cực phối hợp trong quá trình trùng tu, tôn tạo Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong suốt hơn 2 năm để có thể mở cửa đón khách tham quan vào đầu năm 2024 - nhân dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai hoạt động cách mạng tại Quảng Châu.
Hoặc gần đây nhất, Bảo tàng lịch sử cách mạng Quảng Đông và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã chủ trì, phối hợp với rất nhiều bảo tàng, nhà tưởng niệm cách mạng ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Trùng Khánh để tổ chức Triển lãm chuyên đề “Đường cách mạng - Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” trong vòng 3 tháng từ ngày 10/5-10/8/2025 đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là những không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Khu di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Phát huy vai trò các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại - nơi kết nối cộng đồng người Việt, giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới và lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – biểu tượng cho hòa bình, nhân văn và khát vọng phát triển, 100% các đoàn đến công tác, làm việc tại Quảng Châu thời gian qua đều đã được Tổng lãnh sự quán hỗ trợ thu xếp để có thể đến tham quan, học tập tại những khu di tích và triển lãm này.
Những hình ảnh và câu chuyện trực quan, sinh động đã khiến đông đảo cán bộ, đại biểu xúc động sâu sắc, trở thành những trải nghiệm quý giá, lời nhắc thường trực về việc sống xứng đáng với những giá trị mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, từ đó đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” chuyển hóa từ không gian vật thể sang không gian phi vật thể, trở thành những giá trị tinh thần định hướng cho tư duy và hành động của mỗi người.
Dựa trên 'điểm tựa' quý giá của lịch sử, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu xác định rõ nhiệm vụ là tìm cách khai thác tối đa các không gian văn hóa - lịch sử sẵn có trên địa bàn, để hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đủ rộng lớn, toàn diện, mang tính kết nối sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, để việc học tập và làm theo Bác trở thành “nếp sống, nếp làm việc” của cán bộ, đảng viên, kiều bào, học sinh ở sở tại.
Chỉ ra nhiều phương thức truyền thông đa phương tiện, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và các cơ quan, ban ngành để có thể triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh online”, Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng tin rằng đây là một hướng đi phù hợp với xu thế truyền thông hiện đại, sáng tạo, gần gũi và dễ tiếp cận giúp thu hút sự quan tâm theo dõi của các giới, đặc biệt là giới trẻ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Tổng lãnh sự cũng chỉ ra một số thách thức mà việc triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" có thể gặp phải như đòi hỏi nhiều nguồn lực, đặc biệt là cần xây dựng và chia sẻ kho tài nguyên số liên quan đến Bác Hồ như: tranh, ảnh tư liệu, sách điện tử, infographic để các cơ quan đại diện có thể tiếp cận và khai thác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thông tin cũng cần nhanh chóng nâng cấp để có thể thích ứng kịp thời với cách thức truyền thông số đang thay đổi từng ngày, từng giờ hiện nay.
Một vấn đề nữa là cần bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc. Để hiện thực hóa những ý tưởng, dự án tốt đẹp đều cần đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, sáng tạo, năng động để triển khai. Đặc biệt là cần những cán bộ ngoại giao có thể kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, biết tận dụng những lợi thế, xu thế của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Triển lãm “Đường cách mạng – Hồ Chí Minh tại Trung Quốc”. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)