Làng nghề bún An Thái ở Gia Lai nhìn từ trên cao
Làng nghề bún, bánh An Thái thuộc phường Bình Định, tỉnh Gia Lai (mới), là một trong những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kỹ thuật sản xuất bún, bánh đặc trưng, được truyền lại qua nhiều thế hệ.
Nhiếp ảnh gia Cao Như Thụy, đến từ TPHCM, là người thường xuyên ghi lại những khoảnh khắc đời thường ở các vùng quê trên cả nước. Trong chuyến ghé thăm làng nghề An Thái, anh chia sẻ "Việc được tiếp xúc, trò chuyện trực tiếp với người dân giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống lao động của họ. Tôi càng thêm trân quý những sản phẩm được làm ra từ sự cần mẫn, chịu khó, cũng như giá trị văn hóa được gìn giữ qua bao đời".

Tại An Thái, các hộ gia đình sản xuất và cung cấp đa dạng các sản phẩm như bánh tráng, bún gạo, bún phở, bún mì vàng… Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Các sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn được phân phối đến nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Để tạo ra những sản phẩm bánh, bún đạt chất lượng, người dân địa phương phải thực hiện nhiều công đoạn công phu như nhóm lửa, xay bột, đúc khuôn, tạo sợi, rồi đem sản phẩm phơi trên vỉ tre dưới nắng. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Công việc thường bắt đầu từ rạng sáng và kéo dài đến chiều tối, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ trong từng bước sản xuất – từ làm bánh, bún đến phơi sấy, đóng gói và bảo quản. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Nói đến bún, bánh An Thái, không thể không nhắc đến bún Song Thằn – đặc sản nổi tiếng của vùng đất võ Bình Định. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Đây là loại bún khô làm từ đậu xanh, nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc biệt và hàm lượng dinh dưỡng cao, được sản xuất nhiều ở vùng An Thái. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Vì sản lượng sản xuất có hạn, loại bún này khá hiếm và quý. Trong thời kỳ chiến tranh, bún Song Thằn từng bị mai một trong một thời gian dài, nhưng ngày nay đã được phục hồi trở lại. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Hiện nay, phần lớn các công đoạn vẫn được thực hiện thủ công, đặc biệt là khâu phơi bánh dưới ánh nắng để đảm bảo sản phẩm khô tự nhiên, giữ được hương vị đặc trưng. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Dưới góc máy từ trên cao, những tấm bánh tráng và sợi bún được trải đều trên các vỉ tre, xếp hàng ngay ngắn, tạo nên một bức tranh sinh động về nhịp sống làng nghề. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Vào sáng sớm, khi sản phẩm vừa ra lò và ánh nắng đầu ngày bắt đầu lên, cũng là thời điểm lý tưởng để các nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong lao động của người dân. Ảnh: NAG Cao Như Thụy

Hằng năm, làng nghề thu hút đông đảo du khách yêu thích khám phá văn hóa truyền thống và các nhiếp ảnh gia tìm kiếm những khoảnh khắc bình dị trong lao động. Ảnh: NAG Cao Như Thụy