Làng nghề Hà Nội hội nhập quốc tế

Ngay sau khi Hội đồng thủ công sáng tạo thế giới công nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc vào Mạng lưới thủ công sáng tạo toàn cầu, Hà Nội phối hợp với Hội đồng khảo sát một số làng nghề tiếp theo.

Làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, được đánh giá là một trong 10 làng nghề độc đáo, tiêu biểu của Hà Nội.

Được đại diện làng nghề tham gia sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hoàng thành Thăng Long và được đón tiếp các thành viên Hội đồng thủ công thế giới đến tham quan, khảo sát làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn kỳ vọng về một sự phát triển mới cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập với thế giới.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn nói: "Làng nghề chúng tôi đã nổi tiếng rồi, nhưng nếu được gia nhập mạng lưới này thì khả năng để chúng tôi vươn xa tới thế giới, giới thiệu văn hóa đặc biệt của Việt Nam mình, nhất là về những đồ chạm khắc tinh xảo và mang dấu ấn của Việt Nam với cả bạn bè thế giới, tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công".

Tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, sau khi khảo sát thực tế, đoàn khảo sát của Hội đồng thủ công thế giới đánh giá cao độ tinh xảo của các sản phẩm do bàn tay các nghệ nhân làng Phú Vinh làm ra.

Sản phẩm mây tre đan làng Phú Vinh đã có mặt ở nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực. Bảo tồn và đưa sản phẩm làng nghề vươn xa là mong muốn của người dân làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho hay: "Người dân đều phải thay đổi, bởi vì chỉ có thay đổi thì mới bảo tồn và phát triển được. Sự thay đổi đấy thì rõ nét nhất từ các thợ giỏi, bởi vì thợ giỏi là những người hay tiếp cận với mẫu mã, hay tiếp cận với khách hàng nhiều hơn, cho nên họ là những người thay đổi đầu tiên trong làng nghề".

Ông Sa’ad Al - Quddumi – Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới, cho biết: "Với danh hiệu vừa đạt được, hai làng nghề của Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Tôi đã gặp gỡ, lắng nghe những người thợ thủ công và cảm nhận ở họ sự khéo léo và sáng tạo, qua đó là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Những sản phẩm thủ công làng nghề sẽ có cơ hội đến với nhiều thị trường và mang lại nguồn lợi cho chính các làng nghề. Tôi rất vui được đến đây để cảm nhận mọi thứ, hiểu thêm về những kế hoạch và nỗ lực giữ nghề truyền thống của các bạn, và tôi mong sẽ có nhiều dịp đến Việt Nam".

Hà Nội là thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước, với trên 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề. UBND thành phố Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.

Hà Nội tiếp tục tăng cường hợp tác với Hội đồng thủ công thế giới, nhất là trên các lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, để các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và không ngừng vươn xa.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lang-nghe-ha-noi-hoi-nhap-quoc-te-303557.htm