Lập Thạch chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Thực hiện chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm (GQVL) và giảm nghèo bền vững, huyện Lập Thạch đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với GQVL cho người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Công ty TNHH Lợi Tín, huyện Lập Thạch tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động địa phương. Ảnh: Kim Ly

Công ty TNHH Lợi Tín, huyện Lập Thạch tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động địa phương. Ảnh: Kim Ly

Theo thống kê, toàn huyện Lập Thạch có hơn 80.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, có hơn 77.000 người có khả năng lao động, chiếm 95,2% số người trong độ tuổi lao động.

Để công tác đào tạo nghề, GQVL đạt hiệu quả, hằng năm, huyện Lập Thạch xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, GQVL cho người lao động; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia bồi dưỡng kiến thức, học nghề, tìm việc làm; phối hợp với các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, Huyện ủy Lập Thạch đã ban hành Nghị quyết 06 về “Nâng cao chất lượng nguồn lao động để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã phối hợp với các trường cao đẳng nghề, các trường THCS tăng cường tuyên truyền tư vấn học sinh về chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT+trung cấp nghề; có nhiều giải pháp hỗ trợ, học sinh học nghề; tạo điều kiện để học sinh phân luồng sau THCS tiếp tục học nghề và học liên thông; đồng thời, đẩy mạnh liên kết mở các lớp trung cấp nghề, dạy nghề sơ cấp ngắn hạn cho lao động nông thôn.

Công tác phát triển làng nghề tiếp tục được các cấp, ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện phát triển. Thời gian qua, UBND xã Triệu Đề và UBND xã Văn Quán đã phối hợp với Sở NN&PTNT mở 3 lớp truyền nghề mây tre đan cho 120 học viên tham gia.

Để thực hiện chỉ tiêu của tỉnh, huyện giao về công tác phân luồng học sinh sau THCS, các trường THCS trên địa bàn đã bố trí một cán bộ quản lý phụ trách công tác phân luồng học sinh; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học nghề và học chương trình THPT+nghề tại các Trung tâm GDNN-GDTX, các trường cao đẳng, trung cấp nghề ngày càng tăng.

Năm 2017, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không thi vào các trường THPT mà tham gia học nghề và học chương trình THPT+nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX, các trường cao đẳng, trung cấp nghề đạt 14%, đến năm 2020, tỷ lệ này đạt hơn 29%.

Giai đoạn 2017-2020, toàn huyện có gần 3.000 lao động được đào tạo nghề, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 60,7% tăng 6,65% so với năm 2017.

Cùng với việc chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, huyện đã tạo điều kiện cho người lao động vay vốn GQVL và tham gia xuất khẩu lao động từ Quỹ GQVL của tỉnh được ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện.

Từ năm 2017-2020, có 1.050 người được vay vốn với tổng số tiền hơn 51 tỷ đồng để tự tạo việc làm tại chỗ, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; 85 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay hơn 5 tỷ đồng…

Giai đoạn 2017-2020, huyện Lập Thạch GQVL cho hơn 12.000 lao động. Hiện toàn huyện có hơn 700 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Qua đó, góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động, việc làm; giảm tỷ lệ lao động làm việc ở ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động làm việc ở các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng.

Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các phòng, ban chuyên môn, công tác đào tạo nghề và GQVL đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lập Thạch còn 1,48%, giảm 0,57% so với năm 2020; hộ cận nghèo còn 2,56%, giảm 0,65% so với năm 2020.

Thời gian tới, huyện Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo nghề; tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp để tổ chức đào tạo lao động theo nhu cầu thực tế; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm; thực hiện các chính sách khuyến khích các ngành nghề phát triển , tạo việc làm mới cho người lao động.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71485/lap-thach-chu-trong-cong-tac-dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam.html