Lễ cấp sắc của người Dao - Nghi lễ mang tính giáo dục sâu sắc
Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là nơi sinh sống của 65 hộ người dân tộc Dao. Hiện nay, người dân ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều văn hóa truyền thống, đó là các lễ hội, nghi thức tín ngưỡng, trang phục truyền thống, trong đó, lễ cấp sắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Mở quyển sổ viết dày đặc chữ Nôm, thầy cúng chính bắt đầu đọc to bài cúng tổ tiên, thần linh, thực hiện các nghi lễ, thủ tục linh thiêng như tẩy uế cơ thể, đánh trống mời các tổ tiên về tham dự lễ, làm lễ khai đàn báo cáo với tổ tiên biết lý do tổ chức buổi lễ và cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho người được thụ lễ cấp sắc... Tiếng thanh la nổi lên, lúc khoan thai, lúc dồn dập, thúc giục khiến cho không khí của buổi lễ thêm phần rộn rã. Tiếp đó, các thầy cúng tiếp tục nhảy múa theo điệu múa rồng, múa kiếm, múa dâng rượu... tiến hành các thủ tục công nhận trưởng thành cho người được cấp sắc.
Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong vòng đời của nam giới dân tộc Dao. Nó được thực hiện khi nam giới dân tộc Dao bước vào độ tuổi từ 7 đến 20. Khi đã được cấp sắc, có nghĩa là cậu bé người Dao đã được tổ tiên công nhận là người trưởng thành, có một tên âm để giao lưu với thế giới âm binh, được tổ tiên bảo vệ, che chở, soi đường, dẫn lối.
“Người Dao quan niệm rằng, người con trai trong gia đình có vai trò rất quan trọng, khi lớn lên cần phải được làm lễ cấp sắc để có tên âm để gia tiên, tổ tông, tiền tổ biết đến và quản lý, che chở, phù hộ độ trì cho được may mắn. Nếu đàn ông chưa được trải qua lễ cấp sắc thì cho dù có lớn tuổi, có già đi chăng nữa thì vẫn được xem là trẻ con và chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Còn người trẻ tuổi mà đã trải qua cấp sắc thì được xem là người trưởng thành và đều được tham gia những việc quan trọng trong làng, gia đình, có thể đứng ra giúp việc cho thầy cúng hoặc đứng ra cúng bái. Do đó, lễ cấp sắc rất có ý nghĩa đối với nam giới người Dao. Nghi thức này được coi là bản sắc văn hóa nguyên thủy được dân tộc tôi truyền qua hàng ngàn năm” – ông Lý Đại Thông, Trưởng thôn Nặm Đăm cho biết.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Tả Hạc, một thầy cúng của người Dao ở thôn Nặm Đăm cho biết, hằng năm, cứ đến tháng 11 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau, gia đình nào có con trai từ 7 tuổi trở lên là phải làm lễ cấp sắc. Nghi lễ này thường diễn ra trong khoảng thời gian 1-2 ngày. Đầu tiên, gia chủ phải đi nhờ người xem ngày lành tháng tốt, sau đó đi mời các thầy tới làm lễ và mời người giúp việc cho gia đình. Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, người Dao phải chuẩn bị nhiều lễ vật như gà, lợn, rượu, gạo, quần áo cho các thầy cúng, tiền giấy... Tùy điều kiện của từng gia đình mà tổ chức lễ to, nhỏ khác nhau mời anh em họ hàng, làng xóm nhưng không nhất thiết phải làm cỗ to.
“Những dòng họ lớn, có điều kiện thì mổ 5-6 con lợn, 15 con gà, vài chum rượu. Ngoài ra, gia chủ còn phải chuẩn bị tiền âm, sớ viết tên tuổi người được thụ lễ và những người trong gia đình; làm đàn trên bàn thờ gồm bàn thờ chính và một bàn thờ phụ. Trong lễ cấp sắc, chúng tôi treo các tranh thờ, gồm tranh vẽ các vị tướng, tranh quân lính. Các thầy cúng sẽ khấn bài cúng trong đó thông báo có các cụ tổ tiên, thần linh biết, hôm nay gia đình tổ chức cấp sắc cho chàng trai này, mời các thần linh và tổ tiên về chứng kiến. Thông thường mỗi lễ cấp sắc, gia chủ phải mời được 3 thầy chính và khoảng 4 thầy phụ để thực hiện các nghi lễ’’ – ông Hạc cho hay.
Lễ cấp sắc được chia thành nhiều cấp bậc. Ở bậc đầu tiên, người được cấp sắc sẽ được cấp 3 đèn và 36 binh mã. Tiếp đến là bậc thứ 2, được cấp thêm 7 đèn và 72 binh mã, bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Sau khi trải qua 3 cấp bậc, người nam đã qua lễ trưởng thành.
Các thầy cúng người Dao cho biết, lễ cấp sắc bao gồm nhiều nghi lễ nhỏ khác nhau, trong đó, lễ thụ đèn là nghi thức quan trọng đối với người được cấp sắc. Lúc này, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước bàn thờ. Thầy cúng sẽ đốt một cây đèn, đặt lên đầu người được cấp sắc để làm lễ. Người được cấp sức sẽ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, đồng thời được cấp pháp danh (tên âm).
Theo ông Thông, lễ cấp sắc có ý nghĩa giáo dục rất lớn, nó không chỉ công nhận sự trưởng thành của một người con trai, mà còn răn dạy người này sống tốt đẹp. “Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ sẽ được các thầy giáo huấn, răn dạy và phải nói lên những lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh. Theo truyền thống, người Dao tin rằng những thanh niên nào đã trải qua lễ cấp sắc, mà có tâm, có đức mới biết lẽ phải trái ở đời, hướng tới việc thiện và không làm điều ác. Khi được cấp sắc, người con trai đó được coi là đã trưởng thành, được xã hội ghi nhận, có thể tham gia mọi công việc của cộng đồng và công việc của gia đình” - ông Thông nói.
Là người đã trải qua lễ cấp sắc, anh Lý Tả Chùi hơn ai hết hiểu rõ những giá trị mang ý nghĩa giáo dục mà nghi lễ này mang lại cho thanh niên người Dao. Anh chia sẻ: “Qua lễ cấp sắc, các thầy đã dặn dò, răn dạy tôi những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống mà ngày thường hay gặp, trong đó có những việc rất nhỏ như đi trên đường gặp người có tuổi thì mình phải giúp họ như thế nào, hoặc đi trên đường gặp sông, gặp suối thì mình phải xử trí thế nào; hay đi trên đường gặp người bị nạn, mình sẽ phải giúp họ ra sao. Đặc biệt, các thầy luôn dạy không bao giờ được làm những điều trái với lương tâm của mình’’.
Anh Lý Tả Chùi chia sẻ thêm: “Qua lễ cấp sắc, những người đàn ông đã được cấp sắc nói chung và cá nhân tôi nói riêng cảm nhận được những điều mà các thầy làm lễ cấp sắc đã dạy luôn hiện hữu trong con người. Những điều răn dạy đó hữu ích trong bất kể công việc gì, dù lớn hay nhỏ. Nhiều khi có những việc tôi còn do dự, chưa biết quyết định thế nào thì tôi nhớ tới lời dạy của các thầy để từ đó lựa chọn quyết định đúng đắn nhất”.