Lễ hội Phủ Dầy lan tỏa giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định
Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) là quần thể di tích nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong 'Tứ bất tử' của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong tôn làm 'Mẫu nghi thiên hạ' (Mẹ của muôn dân) với các duệ hiệu: Mã Vàng Bồ tát, Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương. Phủ Dầy được xây dựng trên mảnh đất quê hương nơi Mẫu giáng sinh lần thứ hai.

Nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2025.
Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương, Chủ tịch Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định cho biết: “Từ một tín ngưỡng sơ khai, đến thế kỷ XV-XVI, với sự ảnh hưởng của Đạo giáo và xuất hiện huyền thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, sự tích hợp văn hóa và mô thức thần điện mang tính cung đình đã quy nạp toàn bộ hệ thống thờ Mẫu (Nữ thần) của người Việt thành một thể thống nhất để hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ phủ. Trong đó, ở nhiều phủ, điện thờ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là vị thần chủ. Tam phủ chỉ 3 miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Theo đó quan niệm về vũ trụ âm dương được chia thành 3 miền gồm: miền Trời gọi là Thượng thiên tương ứng với màu đỏ; miền Đất gọi là Địa phủ tương ứng với màu vàng; miền Nước gọi là Thoải phủ tương ứng với màu trắng. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, ngoài 3 miền trên có thêm miền Rừng núi gọi là Nhạc phủ tương ứng với màu xanh. Mỗi miền đều do một Thánh Mẫu đứng chủ. Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn có các nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại là những người có công với dân, với nước được cộng đồng tôn vinh”.
Phủ Dầy là nơi hội tụ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc; trong đó, “Lễ hội Phủ Dầy”, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là lễ hội truyền thống, tập quán xã hội do cộng đồng sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa và phát triển.
Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Chầu văn và lễ hội. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 8/3 âm lịch hàng năm (mùng 3/3 là ngày chính kỵ Thánh Mẫu Liễu Hạnh) trong không gian thiêng của hơn 20 đền, đình, chùa, phủ, chùa, lăng của hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại địa phương; trong đó trung tâm diễn ra các hoạt động lễ hội là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu - 3 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Chủ thể văn hóa thực hành trong lễ hội Phủ Dầy bao gồm cộng đồng dân cư xã Kim Thái, các tín đồ, con nhang, đệ tử, thanh đồng đạo Mẫu và đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và sinh hoạt văn hóa đặc sắc được tổ chức thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. Điều này phản ánh sự dung hòa giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, tạo nên “sợi dây” gắn kết cộng đồng, hướng con người tới những giá trị nhân văn “chân - thiện - mỹ”. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa rộng khắp các vùng miền trên cả nước, Phủ Dầy trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Trong lễ hội Phủ Dầy, nghi lễ Chầu văn (hầu đồng), hoa trượng hội (hội xếp chữ), rước đuốc đăng long và lễ rước Mẫu thỉnh kinh là những đặc trưng tiêu biểu nhất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII, sau đó lan tỏa ra các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình và nhiều địa phương trên cả nước. Nghi lễ Chầu văn diễn ra ở hầu hết các đền, phủ trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy. Các quy trình thực hành nghi lễ Chầu văn gồm 4 bước: mời Thánh nhập thế, kể lại sự tích và công đức của Thánh, thỉnh cầu Thánh phù hộ và đưa tiễn. Các giá đồng thể hiện sự giáng đồng của các vị Thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Về làn điệu, trong nghi lễ Chầu văn tại Phủ Dầy thường sử dụng 6 nhóm làn điệu chính: nhóm bỉ, nhóm dọc, nhóm cờn, nhóm phú, nhóm xá, nhóm nhịp một. Nghi thức hầu đồng diễn ra trong khung cảnh khói hương nghi ngút, giọng hát văn réo rắt, tiếng trống, phách, đàn nguyệt, sáo, nhị… lúc khoan thai, dìu dặt, khi dồn dập, vui tươi; thanh đồng xiêm y lộng lẫy, tâm trạng biến hóa, lắc lư, nhún nhảy trong những điệu vũ mang tính ước lệ và cách điệu khiến người xem nhập tâm vào thế giới siêu nhiên của các vị Thánh. Nghi lễ Chầu văn là hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hài hòa các yếu tố âm nhạc, trang phục mang tính tâm linh với những điệu múa thiêng uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm thể hiện quan niệm về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.
Hoa trượng hội là hoạt động gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Đài, người thôn Thông Khê, tổng Đồng Đội, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng xưa (nay là thôn Thông Khê, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản). Tương truyền, vào thế kỷ XVII, miền Bắc lũ lụt liên tiếp, người dân các nơi mỗi năm phải về kinh đắp đê sông Nhị Hà (sông Hồng). Người dân Thiên Bản ở vùng Kẻ Dầy, hạ lưu sông Nhị Hà bị lụt lội vẫn phải theo lệnh triều đình lên kinh đắp đê. Thấy dân phu đắp đê đói khổ, Vương phi Trần Thị Ngọc Đài đã xin Chúa Trịnh thương tình, miễn cho dân Thiên Bản không phải đi lao dịch đắp đê ở kinh thành. Sau đó, Chúa Trịnh cấp phát lương thực cho người dân về quê lo sửa chữa đê điều ở địa phương. Trước khi về quê, Vương phi dặn người dân vào Phủ Dầy tạ ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Về đến quê nhà, người dân vui mừng, lấy những công cụ đào đất tập hợp tại sân phủ xếp thành chữ “Thánh Cung vạn tuế”, cúi lạy Thánh Mẫu để tỏ lòng biết ơn. Từ đó, “Hoa trượng hội” đã trở thành một hoạt động tiêu biểu trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát, được cộng đồng địa phương duy trì và phát triển đến ngày nay. Các chữ thường xếp trong ngày hội là chữ Hán với nội dung: “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình”, “Mẫu nghi thiên hạ”…, thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, thịnh trị, nhắc nhở muôn dân mãi ghi nhớ công đức của Thánh Mẫu.
Nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh là nghi lễ thiêng khởi nguồn sau sự kiện “Sòng Sơn đại chiến”, Mẫu Liễu Hạnh được Phật Tổ Như Lai ra tay phổ độ và thu nạp. Từ đó, Mẫu Liễu Hạnh quy y cửa Phật để cứu độ chúng sinh khỏi cảnh lầm than, cơ cực. Lễ rước Mẫu thỉnh kinh được tổ chức từ Phủ Vân Cát lên Chùa Linh Sơn (mồng 5/3 âm lịch) và từ Phủ Tiên Hương lên Chùa Tiên Hương (mồng 6/3 âm lịch). Đan xen trong các đoàn rước còn có những người dân địa phương và du khách thập phương cùng đoàn người vác nghi trượng, phường bát âm, cờ ngũ sắc, đội múa roi, gậy, đeo mặt nạ, lân - sư - rồng… tạo nên không khí ngày hội vô cùng náo nhiệt. Nghi lễ rước Mẫu từ phủ lên chùa thỉnh Kinh có quy mô hoành tráng với sự tham gia của đông đảo cộng đồng, thể hiện mối quan hệ dung hòa, gắn kết giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Nội đạo tràng và Phật giáo, trở thành nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo trong lễ hội Phủ Dầy. Tại Phủ Tiên Hương, lễ rước đuốc đăng long tổ chức vào tối mồng 5/3 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi điềm xấu, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Ngọn lửa thiêng được các thanh đồng, đạo quan, thủ nhang, đồng đền thành tâm xin từ cung cấm Phủ Tiên Hương, sau đó rước ra ngoài tiếp lửa cho hơn 1.000 ngọn đuốc khác rồi trao cho bà con trong vùng rước đi quanh Phủ Dầy. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc Phủ Tiên Hương tượng trưng cho ánh sáng niềm tin về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong 6 ngày diễn ra lễ hội Phủ Dầy, để giúp vui cho du khách thập phương về dự lễ, các hoạt động phần hội diễn ra sôi nổi như: thả rồng bay tại Phủ Tiên Hương; chơi cờ người tại Phủ Vân Cát; biểu diễn nghệ thuật tại Đền Cây Đa Bóng… Đặc biệt, lễ hội còn là dịp tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” bằng chương trình Liên hoan nghệ thuật hát văn, hát chầu văn tại Phương du Phủ Tiên Hương và Phương du Phủ Vân Cát. Đến với Liên hoan, có hàng chục cung văn ở khắp nơi tham gia trình diễn nhiều tiết mục hát văn như: Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Lục Cung Nương, Chầu Bé, Chầu Bé Thượng, Quan lớn Tam phủ, Quan lớn Đệ Tam, Chúa Đông Cuông, Chúa Thác Bờ… Vào những ngày thi đều thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương từ khắp nơi về thưởng thức các làn điệu hát văn và các giá đồng. Trong không gian cổ kính, linh thiêng, trong tiếng nhạc lúc dập dìu, réo rắt, khoan thai, lúc rộn ràng, sôi động, những người tham dự cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc.
Sau hơn 30 năm lễ hội Phủ Dầy được Nhà nước cho phép mở trở lại, đến nay lễ hội đã khôi phục, hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh; trở thành một trong 5 lễ hội lớn của cả nước và điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Phủ Dầy năm 2025 được tổ chức từ ngày 31/3 đến ngày 5/4 (tức từ mùng 3 đến mùng 8/3 âm lịch) đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự. “Tháng Ba giỗ Mẹ”. Về với Phủ Dầy, người dân có dịp dâng hương, lễ Mẫu, tham quan, chiêm bái hệ thống các di tích thờ Mẫu, hòa mình vào không gian văn hóa lễ hội. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên lễ hội Phủ Dầy năm nay diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng.