Lê Tất Đắc 'Một cốt cách xứ Thanh'

Đó là cách gọi của cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền trong một bài viết tưởng nhớ nhà cách mạng lão thành Lê Tất Đắc khi ông qua đời (năm 2000). Ngược thời gian, lần theo sử liệu, hậu thế hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và cả 'cốt cách' của nhà lão thành cách mạng xứ Thanh.

Ngôi nhà nơi đồng chí Lê Tất Đắc sinh ra và lớn lên nay đã trở thành khu tưởng niệm nhà lão thành cách mạng.

Sinh năm 1906, Lê Tất Đắc xuất thân trong gia đình có truyền thống học hành và yêu nước. Ông là cháu ngoại của cụ Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết - “thủ lĩnh” phong trào Cần Vương trên quê hương Hoằng Hóa, cậu ruột là Nguyễn Đôn Dự (con trai cụ Nguyễn Đôn Tiết) cũng anh dũng hy sinh trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Bố mất sớm, người mẹ tảo tần không quản ngại vất vả sớm khuya, chăm chỉ cửi canh nuôi Lê Tất Đắc khôn lớn. Theo nghiệp chữ nghĩa, Lê Tất Đắc sớm giác ngộ, 22 tuổi trở thành chiến sĩ cách mạng. Bị địch bắt giam ba lần, bị giam cầm ở nhiều nhà tù khác nhau như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hỏa Lò, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột. Hai lần vượt ngục trở về hoạt động cách mạng.

Tháng 1/1931, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ do đồng chí Lê Tất Đắc trực tiếp chỉ đạo, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa được thành lập, đồng chí Ngô Đức Mậu làm Bí thư - sự kiện đánh dấu một “bước chuyển” của phong trào cách mạng tại Thanh Hóa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, phong trào cách mạng Thanh Hóa bị địch khủng bố, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng bị tan vỡ, nhiều chiến sĩ bị bắt, trong đó có đồng chí Lê Tất Đắc. Sau đó, nhiều lần ông bị địch bắt giam, hành hạ hòng lung lay ý chí song đều bất thành. Mỗi lần thoát khỏi ngục tù là thêm một lần ông hun đúc ý chí đấu tranh cách mạng, vượt núi, băng rừng tìm về với tổ chức. Năm 1945, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thanh Hóa, Lê Tất Đắc đã chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Lê Tất Đắc được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút Báo Sao Vàng, tiền thân của Báo Vệ quốc quân (nay là Báo Quân đội Nhân dân). Chuyện kể rằng, trong một lần vào gặp Bác Hồ, đồng chí Lê Tất Đắc được Bác đưa cho bài báo biểu dương một thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn. Nhà có 4 anh em thì 3 người đã hy sinh và người thanh niên ấy vẫn xin tòng quân để “đền ơn nước, trả thù nhà”. Nhưng Bác Hồ lại góp ý thấu tình: Việc biểu dương người thanh niên ấy là rất đúng, nhưng mặt trái là gì chú biết không? Kẻ địch sẽ nói ta mới đánh nhau vài tháng mà lính chết nhiều phải lấy đến người cuối cùng ra trận. Cậu thanh niên ấy ra trận thì lấy ai nuôi bố mẹ già. Xã hội nuôi sao bằng con cái nuôi bố mẹ. Sao không để cháu ấy ở nhà vào du kích mà cứ gọi đi bộ đội (theo sách Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa, tập 1).

Trải qua những năm tháng cầm bút, làm báo, đồng chí Lê Tất Đắc “nghiệm ra” - “cái nghề làm báo vất vả lắm, viết cái gì, viết lúc nào cho có lợi là việc rất nghệ thuật. Người làm báo phải cân nhắc rất kỹ”. Và ông luôn khẳng định nguyên tắc chân thực của báo chí. “Một trong những nguyên tắc cơ bản của báo chí chúng ta là tính chân thật. Bài viết không chân thực chẳng đem lại kết quả gì tốt đẹp... bài báo sai sự thật có thể đánh lừa hàng triệu con người, không những gây nhiễu, gây rối dư luận, có khi còn gây tội ác nữa”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, phục vụ đất nước, Nhân dân, đồng chí Lê Tất Đắc có nhiều lần gặp Bác Hồ, mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm, bài học của Người được ông khắc ghi, trong đó đặc biệt là lời dạy “lý luận phải đi đôi với thực hành”.

“Ấy là vào những năm đầu thập kỷ 50, vào một ngày Hồ Chủ tịch đến thăm lớp học chính trị lý luận đầu tiên (tiền thân của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ở núi rừng Việt Bắc. Anh Đắc là học viên của lớp. Hôm ấy đúng buổi anh trực nhật, mọi người đang thảo luận bài học. Bất chợt Bác đến. Cả lớp cử anh Đắc thay mặt anh em xin gặp Bác. Anh Đắc đứng dậy... lúc đầu ngập ngừng lúng túng, về sau được ánh mắt độ lượng và nụ cười hồ hởi của Bác khích lệ anh mạnh dạn nói: “Thưa Bác, chúng cháu đang học bài Chủ nghĩa Mác - Lênin, sau mấy buổi lên lớp và thảo luận, vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Vậy xin Bác giải nghĩa tóm tắt cho hiểu thế nào là Chủ nghĩa Mác - Lênin ạ”. Bác nhìn giảng viên, nhìn cả lớp, nhìn anh Đắc, tủm tỉm cười: Chủ nghĩa Mác - Lênin nói hàng tháng, hàng năm không thể hết được. Nhưng các chú muốn hiểu, cần tóm tắt thì Bác nói thế này nhé. Mọi chủ trương, chính sách đưa ra cái gì lọt vào thực tế, thấm vào lòng dân thì cái đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Mọi chủ trương, chính sách đưa ra cái gì bị thực tế đánh bật và dân không đồng lòng thì chưa phải là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Kể đến đây, anh Đắc phấn chấn hẳn lên, anh bảo, Hồ Chủ tịch dạy chúng ta tôn trọng, bảo vệ chính sách của Đảng. Người cũng dạy chúng ta phải yêu thương dân, bảo vệ dân, suốt đời tôi không quên câu nói ấy của Bác... Trong mọi tình huống, phải luôn luôn đứng vững trên lập trường của Đảng, không xa rời thực tiễn để luôn gắn bó với Đảng, với dân” (theo cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền trong bài viết “Một cốt cách xứ Thanh”).

Về Lê Tất Đắc, theo sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2): Ông “người xã Hoằng Phúc (nay thuộc thị trấn Bút Sơn - PV) trong gia đình nhà nho. Tham gia Đảng Tân Việt, rồi Đảng Cộng Sản Đông Dương, đã nhiều lần bị địch giam, hai lần vượt ngục. Sau Cách mạng Tháng Tám, là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ bút báo Sao Vàng, rồi là Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông có viết tập hồi ký cách mạng nhan đề Chim vượt gió... Ông gây được tín nhiệm lớn với các đồng chí, đồng sự, rất có ý thức xây dựng quê hương, không muốn đặt mình vào vị trí cao, mà luôn luôn bám sát cơ sở. Ông có phong độ ung dung, hòa hợp với mọi người, thể hiện nhân cách văn hóa đằm thắm, gây được cảm tình”.

Những kỷ vật, giấy khen, bằng khen của đồng chí Lê Tất Đắc được con cháu giữ gìn cẩn thận.

Sự dung dị, “thể hiện nhân cách văn hóa đằm thắm, gây được cảm tình” của nhà lão thành cách mạng Lê Tất Đắc được cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền “xác nhận” trong chính lần gặp gỡ đầu tiên: “Đã mấy chục năm trôi qua, đến nay tôi vẫn còn nhớ như in. Lần ấy, nhận nhiệm vụ làm sách Người tốt, việc tốt do Bác Hồ chủ trương, tôi đi xác minh thành tích một số thương binh được Bác tặng thưởng huy hiệu. Người tiếp tôi là đồng chí Lê Tất Đắc... Đó là một con người mảnh khảnh, mặc chiếc sơ-mi nâu, quần nâu giản dị chẳng khác gì một lão nông dân. “Nhà báo nói giọng miền Trung lơ lớ hình như cùng người quê “choa” có đúng không nào?” - thấy đồng chí trẻ trung, cởi mở, tôi mới dám bắt chước những người chung quanh gọi đồng chí là anh”.

Đã 24 năm, nhà lão thành cách mạng Lê Tất Đắc thành người thiên cổ. Lần dở cuốn hồi ký cách mạng “Chim vượt gió" của ông, chúng ta có dịp hiểu hơn về người chiến sĩ cách mạng kiên trung của xứ Thanh. Đó là “ký ức” về những tháng ngày gian khó, hiểm nguy song cũng thật rực rỡ, sáng bừng hy vọng được ông ghi lại đầy xúc động. Trong đó, chỉ đôi khổ thơ trong cuốn sách cũng đủ gây ấn tượng, như: “Chống tay đứng ngắm ánh hồng gieo/ Đây phút say sưa với hiểm nghèo/ Thẳng cánh ô kìa! Chim vượt gió/ Phương trời xa mới ta nhìn theo.../ Đạp thẳng chông gai vượt suối đèo/ Nắng cuốn mây mù trời đất rạng/ Lòng ta hồn nước tưng bừng reo”.

Thăm khu tưởng niệm đồng chí Lê Tất Đắc ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), ngôi nhà ngói mộc mạc với những vật dụng đơn sơ được con cháu giữ gìn, trân trọng. Thắp nén tâm hương lên bàn thờ cụ, bác Nguyễn Đình Chung trông coi khu tưởng niệm bày tỏ: “Cả cuộc đời cụ đã lựa chọn dâng hiến cho cách mạng, cho dân tộc. “Tài sản” lớn nhất cụ để lại cho cháu con là một “cốt cách” con người trung thực, điềm đạm mà đĩnh đạc, làm việc gì cũng suy tính, nghĩ đến người xung quanh trước khi nghĩ đến bản thân...”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong sách Địa chí Thanh Hóa tập 2; Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa tập 1 và một số tài liệu lưu giữ tại khu tưởng niệm Lê Tất Đắc).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/le-tat-dac-mot-cot-cach-xu-thanh-31521.htm