Lê Văn Linh: Từ thầy giáo làng đến khai quốc công thần nhà Lê
Là một trong 18 hào kiệt tham gia Hội thề Lũng Nhai, được vua Lê ban quốc tính (họ Vua), cũng đồng thời là nguyên lão đại thần 3 triều vua Lê - khai quốc công thần Lê Văn Linh được sử sách ngợi ca, người đời nhắc nhớ bởi sự thông minh, sâu sắc và trí tuệ hơn người.
Theo sử liệu, Lê Văn Linh vốn người họ Trần. Quê ông ở đất Bảo Đà huyện Lôi Dương nay là thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải (Thọ Xuân), ông bản tính thâm trầm, giàu mưu lược, lại am hiểu chính sự, ý kiến bàn bạc trong triều đình thường sáng suốt. Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Văn Linh là một trong những người đầu tiên tham gia. Và trong Hội thề Lũng Nhai, ông đứng thứ 4 trong số 18 bậc hào kiệt.
Từ nhỏ Lê Văn Linh đã nổi tiếng tư chất thông minh, chăm chỉ học hành nên không chỉ giỏi chữ nghĩa mà còn am hiểu lý, số. Những năm tháng tuổi trẻ ông không có chí thi cử, làm quan vì bấy giờ nhà Trần đã suy, họ Hồ tiếm quyền, rồi quân Minh xâm lược, muôn dân lầm than. Ông ngồi nhà làm thầy đồ dạy trẻ, như không để ý việc đời. Lưu truyền dân gian còn kể lại, khi ấy lớp học của thầy Văn Linh thường có đông học trò tìm về học chữ.
Lại có chuyện kể rằng, thời bấy giờ vùng đất Hải Lịch (nay là Thọ Hải) quê ông vẫn thường có hổ dữ từ rừng sâu về làng quấy phá hại người, bắt vật khiến người dân khiếp sợ. Trước sự lo lắng của người dân, Lê Văn Linh đã nói với các vị bô lão trong làng làm lễ tế thần linh ở cửa rừng, bản thân ông đọc bài văn đuổi hổ (hay Trách hổ). Cũng từ hôm đấy, dân làng không còn thấy hổ rừng về quấy phá nữa, nên cho là sự kỳ diệu. Từ đó, ông càng nổi tiếng về tài văn chương, được người đời ví với Hàn Dũ đời nhà Đường hay Nguyễn Thuyên triều vua Trần, làm thơ đuổi cá sấu ném xuống sông mà cá sấu biến mất (theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân).
Trước gót giày xâm lược của giặc Minh, hào trưởng Lê Lợi ở đất Lam Sơn bấy giờ đang ngầm chiêu mộ hào kiệt bốn phương để mưu tính việc lớn. Nghe tiếng Lê Văn Linh, Lê Lợi đã cho người đến mời về cùng giúp sức. Khi Bình Định Vương Lê Lợi tế cờ khởi nghĩa, Lê Văn Linh làm mưu sĩ dưới trướng, bàn việc quân cơ, bày kế sách đánh giặc. Ông cũng là người soạn thảo một số văn bản quan trọng như chiếu thư chiêu dụ Ai Lao, chiêu hàng tướng giặc, nghị hòa với quân Minh… “Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Văn Linh xông pha khắp nơi giúp Lê Lợi, chăm lo binh lương, trù mưu kế hoạch, dùng yếu đánh mạnh, lấy hư chống thực… Năm 1428, Thuận Thiên thứ nhất, Lê Thái tổ xét công ban thưởng cho các công thần khai quốc, Lê Văn Linh được phong làm Khang thượng hầu. Sau đó ông được thăng lên Nhập nội thiếu phó. Giữa năm 1429, Lê Thái tổ lại xét phong ngạch công thần, ban tước Hương thượng hầu cho 3 người Lê Văn Linh, Nguyễn Lý, Bùi Quốc Hưng. Cùng năm ấy, Lê Văn Linh được vua tin dùng giao trọng trách xét tuyển người có tài đức được bổ dụng vào các chức vụ quan lại” (sách 35 vị Khai quốc công thần Lam Sơn).
Dưới đời vua Lê Thái tông (1435) ở châu Ngọc Ma (nay thuộc miền núi Nghệ An) có Cầm Quý là kẻ tham lam lại mang tâm phản nghịch, nguy cơ sẽ là mối họa về sau nếu không sớm tiêu diệt. Bởi vậy nhà vua đã sai dũng tướng Phạm Bôi và văn thần Lê Văn Linh làm tham mưu đốc chiến tiến vào châu Ngọc Ma dẹp kẻ phản nghịch. Chỉ một trận ra quân, “mối lo” Cầm Quý đã hoàn toàn được dẹp bỏ.
Thông minh, thâm trầm mà thẳng thắn, bởi vậy, sự nghiệp làm quan của Lê Văn Linh cũng không tránh khỏi những “trắc trở”. Đó là khi vua Lê Thái tông muốn xét sử Đại tư đồ Đỗ Sát (tức Lê Sát) chuyên quyền, cố vị khiến các quan trong triều lo sợ. Theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân: “Riêng Trần Văn Linh vẫn thẳng thắn khuyên can vua không nên xử quá nặng đối với Đỗ Sát. Thái tông nổi giận tước bỏ “công thần” của Văn Linh, giáng chức từ Hữu bật xuống làm Bộc xạ… Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), Thái tông nghĩ công lao của Văn Linh cho làm Tri từ tụng sự. Trần Văn Linh coi xét việc kiện tụng công minh được phục chức, rồi thăng dần lên đến Thái phó, một trong ba chức cao nhất (Thái sư, Thái phó, Thái bảo, gọi là Tam Thái) đứng đầu triều quan”.
Về sự kiện này, sách Văn tài võ lược xứ Thanh cũng “luận bàn”: “Lê Văn Linh là người thâm trầm, giàu trí lực, rất am tường các mặt chính sự, khi bàn bạc ở triều đình rất sáng suốt… Quan Đại Tư đồ Bình Chương sự phụ chính Lê Sát do chuyên quyền mà bị Thái tông xử tội chết, ông (tức Lê Văn Linh) không a dua với bọn đố kỵ mà nói thẳng để cứu Lê Sát nên bị vua khiển trách, nhưng được các đình thần và công luận khen ngợi. Do vua còn nhỏ tuổi bị bọn xiểm nịnh trói buộc nên đã giáng chức của ông, song chỉ ít lâu lại phục chức cho ông”.
Dù không đỗ đạt nhưng với tước vị, chức vụ và tài năng, Lê Văn Linh luôn là văn quan mẫn cán, trung thành trong suốt 3 đời vua (Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông). Với tài năng được đánh giá cao, văn thần Lê Văn Linh còn được nhà vua tin tưởng giao cho trọng trách tuyển chọn nhân tài.
“Sau chuyến ngự giá về bái yết Thái miếu ở Lam Kinh vào tháng 3 năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), vua Lê Nhân tông đã tiến phong cho ông chức Nhập nội Thái phó, tham sự triều chính, kiêm Tri hải tứ đạo. Lúc này Lê Văn Linh đã 72 tuổi” (sách 35 vị Khai quốc công thần Lam Sơn).
Cũng trong năm này, do tuổi cao sức yếu, văn thần Lê Văn Linh qua đời. Ông được triều đình truy tặng là Khai phủ nghi đồng tam ty, ban tên thụy Trung Hiếu. Đến niên hiệu Hồng Đức (năm 1489), Lê Văn Linh lại được vua Lê Thánh tông gia phong Thượng đẳng phúc thần, Bảo chính Đại vương. Đến thời vua Gia Long, Lê Văn Linh được liệt vào hàng công thần khai quốc nhà Lê bậc nhất, con cháu được miễn lao dịch để thờ tự.
Sau khi Khai quốc công thần Lê Văn Linh qua đời, ông được đưa về quê nhà an táng và lập đền thờ phụng. Dẫn chúng tôi ra khu mộ tiền nhân ở cánh đồng làng, anh Lê Văn Sinh - hậu duệ đời thứ 19 của cụ Lê Văn Linh cho biết: “Theo gia phả cùng lời kể của các cụ cao niên trong dòng họ, khi xưa nơi đây là khu đền thờ và lăng mộ cụ Lê Văn Linh. Trong đó đền thờ thâm nghiêm được xây dựng khá bề thế. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng nhiều nguyên do, những năm 60 của thế kỷ XX đền thờ đã bị phá hủy, chỉ còn lại ngôi mộ và nền móng cũ. Ngày nay, khai quốc công thần Lê Văn Linh được con cháu trong dòng họ thờ cúng trong từ đường dòng họ. Năm 2000, Từ đường lăng mộ Lê Trần công thần tộc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với niềm kính ngưỡng với tiền nhân, hiện nay con cháu, dòng họ có nguyện vọng đóng góp kinh phí để khôi phục lại đền thờ cụ, xứng với công trạng tiền nhân trong lịch sử”.